Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thái Hải

Thứ tư, 05/01/2022 - 18:55

(Thanh tra) - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC)” do ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng Nghiệm thu. Ảnh: TH

Tại hội nghị, ThS. Lê Đức Trung cho biết, với mục tiêu của đề tài là nghiên cứu những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC. Do đó  đề tài triển khai nghiên cứu 3 nội dung: Những vấn đề lý luận cơ bản có liên quan đến công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; Thực trạng công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; Quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Ông Trung nhấn mạnh: Pháp luật và thực tiễn công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chưa có văn bản riêng về công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC trong thời gian dài còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC hiệu quả chưa cao; công tác tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan Nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại cơ sở còn yếu và thiếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, tham nhũng;

Kết quả tiếp dân, hiệu lực giải quyết đơn, thư KNTC chưa cao so với thực tiễn đặt ra; tình trạng khiếu kiện đông người còn diễn biến phức tạp; công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc;

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật về dân vận trong tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa tương xứng với đòi hỏi thực tiễn

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, Ban Chủ nhiệm đề tài đưa ra các nhóm giải pháp về nhận thức; giải pháp về hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; giải pháp về tổ chức thực hiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Tại hội nghị TS. Mai Văn Duẩn, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, nội dung bám sát mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu; các số liệu, thông tin được cập nhật đầy đủ, có độ chính xác cao, lượng thông tin nhiều, bao quát đầy đủ phạm vi nghiên cứu của đề tài; văn phong rõ ràng, bố cục hợp lý, chặt chẽ.

“Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để kiến nghị Quốc hội thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC và các cơ quan ban hành các văn bản có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nói chung và công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết KNTC” ông Duẩn nhấn mạnh.

Ban Chủ nhiệm đề tài cần rút gọn đối tượng nghiên cứu là “công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết KNTC”; phạm vị nghiên cứu là “thực tiễn thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC từ năm 2015 đến nay, trong phạm vi cả nước”.

Về nội dung nghiên cứu, tại Chương I, các khái niệm cần sắp xếp lại cho logic và phù hợp với tên đề mục và tên đề tài; xác định rõ chủ thể, đối tượng của công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; bổ sung tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác dân vận cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC. Chương I, mục 2.1.1 là chủ trương, chính sách về công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC nên lồng vào mục 2.1.2 là chính sách pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Còn theo TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, mục tiêu nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu nên từ năm 2011 đến nay. Đối với chương I, bổ sung thêm một số khái niệm về tuyên truyền, vận động, tuyên truyền và vận động trong giải quyết KNTC; cân nhắc bỏ nội dung phương thức dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Đối với Chương II, mục 2.1 nên đổi là thực trạng pháp luật về công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết KNTC; mục 2.2 về kết quả công tác dân vận nên tách riêng là tiếp công dân, giải quyết KNTC và giải quyết vụ việc khiếu nại kéo dài.

Chương III, nội dung quan điểm hoàn thiện chính sách, pháp luật và thực tiễn công tác dân vận nên đưa lên Chương I.

TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Tổng  hợp - Quản trị, Viện CL&KHTT cũng nhấn mạnh, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đã tiếp thu triệt để ý kiến đóng góp của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở. Để hoàn thiện sản phẩm đề tài, cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung sau: Đối với Chương I, Ban Chủ nhiệm đề tài cần làm rõ hơn phương thức dân vận ứng với từng chủ thể nhất định; Chương II, số liệu về thực trạng cần thể hiện tập trung hơn; việc đánh giá hạn chế cần có số liệu để dẫn chứng và trích dẫn nguồn; một số đánh giá cần được thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn. Đối với Chương III, giải pháp cần sự phân tích thấu đáo, cụ thể.

Kết luận hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài có tính cấp thiết cao và Ban Chủ nhiệm đề tài đã thể hiện được điều này; đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp; đã giải quyết khá toàn diện các vấn đề lý luận có liên quan, đặc biệt là khái niệm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hành chính; đã tài đã tiếp cận được vấn đề khá rộng nhưng rất chất lượng; đánh giá cao chất lượng của đề tài và đề tài có tính thực tiễn.

Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu của đề tài tốt hơn, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Đối tượng nghiên cứu cần thể hiện ngắn gọn hơn; khái niệm thể hiện lại cho logic và theo thứ tự; Chương I cần làm rõ phương thức công tác dân vận gắn với từng chủ thể; sửa khái niệm “dân vận”; Chương II cần sự quy nạp trong nhận định, đánh giá; thể hiện rõ nét hơn công tác dân vận xuyên suốt trong quá trình trong, sau việc giải quyết KNTC; bổ sung các giải pháp cho việc khiếu kiện kéo dài.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm