Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lập Dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương

Thứ ba, 16/10/2018 - 11:09

(Thanh tra)- Thanh tra dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT (sau đây gọi tắt là Dự án) mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kết luận, cho thấy khá nhiều tồn tại, sai sót. Điển hình là việc cho phép lập Dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương, phê duyệt Dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Mục tiêu nâng cấp luồng sông Sài Gòn khó có thể đạt được hiệu quả tối đa khi quá trình thanh tra phát hiện quá nhiều sai phạm. Ảnh minh họa: O.H

Bộ chưa chấp thuận nhà thầu chính, Cục đã chấp thuận nhà thầu phụ

Với tổng mức đầu tư Dự án lên đến gần 1.303 tỷ đồng với hơn 1.144 tỷ đồng là vốn xây dựng, mục tiêu của Dự án nhằm nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ Bình Lợi đến cảng Bến Súc theo quy hoạch phát triển tổng thể; đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường thủy khi qua cầu Bình Lợi, đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt cũng như lâu dài theo quy hoạch phát triển chung về GTVT TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và những năm sau đó... Thế nhưng, bên cạnh những mặt làm được, thì quá trình quản lý thực hiện Dự án, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự án và các nhà thầu đã mắc nhiều tồn tại, sai sót, đã được Bộ GTVT kết luận (sau khi thanh tra từ khi triển khai Dự án đến 30/7/2018).

Cụ thể, trong công tác chuẩn bị đầu tư, theo Quyết định số 4311/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 13/11/2014 đã cho phép việc lập Dự án. Quyết định trên có trước Văn bản số 2587/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ (ngày 17/12/2014). Có nghĩa là, việc cho phép lập Dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương. Chưa kể, Dự án cũng được phê duyệt trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Trong thời gian 48 ngày nghiên cứu lập Dự án, một số nội dung công việc chưa thực hiện đầy đủ, thiếu sót một số hồ sơ cho việc phê duyệt Dự án; phải bổ sung, thay đổi nhiều hạng mục công việc ảnh hưởng đến tiến độ, giá thành Dự án. Chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt Dự án còn hạn chế, tồn tại, sai sót nên trong quá trình thực hiện phải thay đổi thiết kế cơ sở, bổ sung hạng mục Dự án.

Trong khi đó, việc khảo sát, thu thập, phân tích các số liệu về địa chất, thủy văn, lưu lượng phương tiện... chưa đủ cơ sở đảm bảo độ tin cậy về các số liệu khảo sát, để có giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kinh tế. Đơn vị tư vấn thẩm tra thậm chí còn đóng dấu xác nhận đã thẩm tra hồ sơ không đảm bảo tính pháp lý. Kết quả nghiệm thu khảo sát được thực hiện sau khi Dự án được phê duyệt. Đáng nói, hồ sơ dự án được thẩm tra để hoàn thiện theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT là không phù hợp, phi thực tế, thiếu tính logic. Hồ sơ giám sát, khảo sát bước lập dự án của Ban Quản lý Dự án Đường thủy nội địa giá trị gần 408 triệu đồng chưa cung cấp, xuất trình được.

Đáng chú ý, trong khảo sát, thiết kế cơ sở tuyến luồng sông Sài Gòn, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam chấp thuận nhà thầu phụ (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Xây dựng Sơn Hà) thực hiện khảo sát, thiết kế luồng sông Sài Gòn khi chưa được Bộ GTVT chấp thuận nhà thầu chính.

Một số bất cập, tồn tại còn có trong công tác thẩm định Dự án, đó là chưa thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Cụ thể: chưa xem xét kỹ các hồ sơ, tài liệu kèm theo đánh giá, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định về công tác thẩm định hồ sơ về nhu cầu sử dụng đất, khả năng giải phóng mặt bằng của Dự án. Căn cứ vào báo cáo thẩm tra tư vấn về hồ sơ Dự án, các giải pháp thiết kế được đánh giá là “đảm bảo tính khả thi”. Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm tra hồ sơ chưa được hoàn thiện, chưa có đề cương khảo sát, chưa báo cáo khảo sát.

“Hiện Dự án đang triển khai nhưng phải tiến hành điều chỉnh nhiều hạng mục công việc, đặc biệt công tác thiết kế tuyến luồng sông Sài Gòn không khả thi, phải điều chỉnh giải pháp thiết kế. Chưa chỉ ra những bất cập, hạn chế, sai phạm quy trình thiết kế, không thực hiện theo Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT trong hồ sơ thiết kế”, kết luận nêu rõ.

143,338 tỷ đồng tính sai, không thực hiện

Một trong những sai phạm khó chấp nhận đó là việc các khoản tổng mức đầu tư tính sai, không thực hiện lên đến 143,338 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư được duyệt không chính xác, dẫn đến Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thẩm tra dự án thiết kế 6/10 gói thầu, thì giá trị các gói thầu giảm 224,39 tỷ đồng so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Ngày 10/4/2015, Bộ GTVT có Quyết định số 1282/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt chỉ định nhà đầu tư Dự án là Liên danh GUD-STD (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh và Công ty Cổ phẩn Đầu tư & Xây dựng STD Việt Nam).

Tuy nhiên, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư không yêu cầu năng lực về lĩnh vực đầu tư như: Thi công công trình đường thủy, đường sắt; cầu đường sắt Bình Lợi là công trình cấp I nhưng hồ sơ chỉ yêu cầu năng lực nhà đầu tư đã hoặc đang thi công công trình giao thông cấp II. Không yêu cầu rõ năng lực tài chính đơn vị về doanh thu, thời gian thực hiện... Đến thời điểm nộp hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án BOT cầu Bình Lợi, Dự án đầu tư đã giải ngân 107,126 tỷ đồng. Đồng thời, không có bản xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành các dự án do nhà đầu tư đã thực hiện trong hồ sơ đề xuất.

Chưa hết, phương án tài chính trong hợp đồng BOT cũng là điều đáng bàn, nhất là khi không xây dựng phương án thu phí; tính chi phí quản lý thu phí hàng năm 4,8% giá trị thu phí hàng năm là chưa phù hợp (các dự án khác tính giá trị chi phí cụ thể năm đầu tiên, các năm sau tính theo năm đầu nhân tỷ lệ trượt giá hàng năm).

Tiếp đó, phương án tài chính tính khối lượng vận tải không chính xác so với thực tế theo thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy, có số liệu về khối lượng vận tải theo thực tế lớn hơn khối lượng vận tải tính toán trong phương án tài chính, cụ thể năm 2016 là lớn hơn 88%, năm 2017 lớn hơn 47%, năm 2018 lớn hơn 54%. Điều này ảnh hưởng tới thời gian thu phí hoàn vốn của hợp đồng.

Tóm lại “Hợp đồng BOT chưa căn cứ đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nội dung hợp đồng như: chưa căn cứ Luật Đường sắt; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt”, kết luận thanh tra của Bộ GTVT chỉ rõ.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.

Nam Dũng

16:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm