Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của Công an huyện

Thứ ba, 06/06/2017 - 07:04

(Thanh tra)- Sau khi có phản ánh về việc tại kho phía sau nhà ông Hoàng Văn Sài, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh cất giấu nhiều thịt lợn đã giết mổ, thịt lợn chế biến không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vệ sinh thú y, UBND huyện Trùng Khánh đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với các ngành liên quan xuống kiểm tra thực hiện xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc làm của các ngành chức năng huyện Trùng Khánh chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến dư luận bức xúc.

Để làm rõ và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan.

Kết quả cho thấy, ngày 27/10/2016, ông Sài có đơn xin chấp thuận đầu tư bãi rửa và giết mổ lợn phía sau nhà. Tiếp đó, ông Sài xây dựng bãi tắm lợn trên thửa đất 472m2 của gia đình ông Triệu Văn Hoàng, xóm Cổ Phương 1, cách nhà ông Sài khoảng 100m, sát mặt tỉnh lộ 206, nhưng không có hợp đồng thuê đất. Hơn nữa, thửa đất này đã chuyển mục đích thành đất ở nông thôn tại Quyết định số 1958/QĐ/UBND ngày 10/8/2016 của UBND huyện Trùng Khánh, diện tích 472m2.

Bãi tắm rửa lợn được xây dựng khá kiên cố, tuy nhiên chưa được cấp phép xây dựng, chưa có cơ quan chuyên ngành xây dựng kiểm tra. Việc xử lý nước thải chưa bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, tạo bức xúc dư luận và bà con đang sử dụng nước khu vực sau bãi tắm rửa. Đây là dịch vụ tắm rửa nhưng chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ.

Kiểm tra giấy tờ pháp lý của cơ sở, ông Sài chỉ có Công văn số 633 ngày 2/11/2016 của UBND huyện và kế hoạch bảo vệ môi trường dịch vụ rửa xe và giết mổ của hộ kinh doanh cá thể được Chủ tịch UBND huyện xác nhận tại Văn bản số 25 ngày 19/12/2016. Cả hai văn bản trên đã được Chủ tịch UBND huyện thu hồi tại Văn bản số 207 ngày 3/4/2017.

Trước đó, vào ngày 8/12/2016, qua công tác trinh sát, tổ cồng tác Phòng PC49 Công an tỉnh phát hiện cơ sở ông Sài có khoảng 8 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, đã giao Công an huyện Trùng Khánh, Chủ tịch UBND xã Đức Hồng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp lập biên bản vụ việc.

Sau khi lập biên bản xong, tổ công tác đã bàn giao vụ việc và số thịt lợn cho Công an huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y và UBND xã Đức Hồng tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, các ngành chức năng huyện chỉ họp thống nhất tiêu hủy mà không kiến nghị xử lý hành chính và đình chỉ hoạt động.

Trong khi đó, theo quy định xử lý vi phạm về ATTP cần phải lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ, quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện, tiêu hủy và ra quyết định xử phạt hành chính, thành lập hội đồng tiêu hủy nhưng các cơ quan chức năng của huyện chưa tham mưu với UBND thực hiện đầy đủ quy trình xử lý vụ việc, nhất là đối với Công an huyện được PC49 giao. Sau khi xử lý vụ việc, UBND huyện cũng chưa tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát đối với cơ sở giết mổ lợn của ông Sài.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm trên đầu tiên phải kể đến là sự buông lỏng công tác quản lý của chính quyền địa phương mà cụ thể là lãnh đạo huyện. Chủ tịch UBND huyện đã ký ban hành Công văn số 633 và giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở của ông Sài không đúng quy định, dẫn tới ông Sài lợi dụng văn bản trên để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá trình thực hiện chưa phát hiện sản phẩm của cơ sở ông Sài có mặt trên thị trường huyện, cũng không biết được sản phẩm của ông Sài vận chuyển, tiêu thụ đi đâu.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đàm Văn Vũ, mặc dù nhiệm vụ được phân công là Trưởng ban Chỉ đạo về ATTP, nhưng chưa ban hành được quy chế hoạt động và cũng không biết cơ sở của ông Sài hoạt động từ lúc nào, chỉ biết cơ sở ông Sài là khu tắm rửa lợn, sau khi báo chí đề cập, ông Vũ mới biết ông Sài có chế biến thực phẩm từ lợn.

Cũng giống ông Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện La Văn Hồng cũng chỉ biết cơ sở ông Sài là khu tắm rửa lợn, sau khi báo chí đề cập và không biết được sản phẩm của ông Sài vận chuyển, tiêu thụ đi đâu. Các ông nhận được thông tin sau khi các cơ quan xử lý tiêu hủy, quá trình xử lý không được tham gia, cũng không nhận được báo cáo của cơ quan nào. Tại các cuộc họp của UBND huyện cũng không có đơn vị nào báo cáo và nhắc đến vụ việc này.

Theo ông Hồng, UBND huyện có nhận được đơn của ông Sài, tuy là người phụ trách lĩnh vực thương mại, xây dựng cơ bản, nông lâm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tài nguyên môi trường và đất đai, nhưng không được trao đổi và không được ký văn bản nào đối với cơ sở ông Sài. Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình thẳng Chủ tịch UBND huyện. Ông cũng không được bàn chủ trương cho phép cơ sở ông Sài đầu tư xây dựng cơ sở tắm rửa lợn, xử lý các con lợn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Cao Bằng cũng chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm. Cụ thể để xảy ra việc ban hành Công văn số 633 nội dung còn nhiều sơ xuất, thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định, có nội dung sai quy định về công tác chuyên môn. Trách nhiệm chính thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chưa tham mưu đề xuất kịp thời cho UBND huyện trong việc chỉ đạo, quản lý Nhà nước về ATTP đối với những sản phẩm, thực phẩm và cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm từ thịt lợn trên địa bàn huyện; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên.

Trạm Chăn nuôi và Thú y chưa tham mưu tốt cho UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản về vệ sinh thú y và quản lý ATTP tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản và vận chuyển. Công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ lợn, vệ sinh thú y còn hạn chế; quá trình tham gia xử lý vụ việc ngày 8/12/2017 tại cơ sở ông Sài còn thiếu sót, như tiêu hủy không đúng theo trình tự, thủ tục, quy định; chưa đưa ra các kiến nghị, biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Đội Quản lý thị trường số 8 không kiểm soát được sản phẩm của ông Sài đưa ra thị trường. Nhận thức về lĩnh vực vệ sinh thú y, ATTP còn hạn chế, chưa có ý kiến, kiến nghị lên huyện để kịp thời đình chỉ hoạt động của cơ sở; chưa kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo, tham mưu kịp thời cho UBND huyện; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về hoạt động kinh doanh dịch vụ tắm rửa, giết mổ, vận chuyển, chế biến sản phẩm từ lợn trên địa bàn huyện còn có nhiều hạn chế…

Từ những thiếu sót, hạn chế trên, Chánh Thanh tra tỉnh Cao Bằng Hoàng Tiến Khang đã kiến nghị kiểm điểm và xử lý theo quy định đối với các tập thể, cá nhân từ tập thể lãnh đạo UBND huyện đến các phòng, ban có liên quan chịu trách nhiệm về những sai phạm được Thanh tra tỉnh chỉ ra.

Thanh tra tỉnh cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh làm rõ trách nhiệm của Công an huyện vì có liên quan đến việc xử lý lô thịt lợn bị thu giữ ngày 8/12/2016 tại cơ sở của ông Hoàng Văn Sài.

Lê Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

Kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện một số vi phạm, tồn tại; đồng thời, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.

Trần Quý

10:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm