Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 08/10/2018 - 17:40
(Thanh tra)- Ngày 7/10, Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố Kết luận thanh tra số 787/KL-TTTP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý môi trường tại Cty Cổ phần Thép Dana - Ý và Dana - Úc (đóng tại Cụm Công nghiệp (CCN) Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Qua đó, đã chỉ ra nhiều sai phạm do buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm...
Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc mắc nhiều sai phạm. Ảnh: NP
CCN Thanh Vinh không có ngành luyện thép!
CCN Thanh Vinh được UBND TP phê duyệt tổng mặt bằng chi tiết xây dựng vào năm 2004 với diện tích 32,7ha đất, sau đó điều chỉnh giảm diện tích còn hơn 29ha, dành để bố trí các dự án (DA) ngành công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm môi trường, không có ngành sản xuất thép và luyện kim.
Vậy nhưng, năm 2008 - 2009, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT), phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho DA Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc hoạt động tại CCN Thanh Vinh.
Sau khi có ý kiến về ô nhiễm môi trường từ 2 nhà máy trên, UBND TP giao 5,77ha cho 2 nhà máy trồng cây xanh, tạo không gian cách ly giữa CCN với khu dân cư. Thực tế, khoảng cách từ Nhà máy Thép Dana - Ý là 31,5m đến 80,3m và từ Nhà máy Thép Dana - Úc đến khu dân cư là 27,2m đến 143,3m; cả 2 nhà máy chưa đủ khoảng cách tối thiểu là 500m đối với nhà máy độc hại cấp 2.
2 nhà máy thép sai phạm những gì?
Đối với Cty Cổ phần Thép Dana - Ý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích là sử dụng đất khu công nghiệp, thời hạn sử dụng lâu dài là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003. Nội dung này đã được Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, thực hiện điều chỉnh tại Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTTCP ngày 2/11/2012; nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
Việc cấp giấy CNĐT lần đầu cho DA Nhà máy Thép Dana - Ý không phù hợp với quy định ngành nghề tại CCN theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND TP về việc không cho lắp đặt lò luyện thép mới trong các khu công nghiệp.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng còn “sốt sắng” trình UBND TP cấp giấy CNĐT điều chỉnh ngày 8/9/2009, cho Cty Thép Dana - Ý được tăng công suất, vốn, quy mô diện tích đất thực hiện DA trước khi UBND TP phê duyệt đánh giá tác động môi trường, là không đúng với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
Trong xây dựng công trình, Cty không xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công, vi phạm các quy định của Luật Xây dựng năm 2003.
Về dây chuyền công nghệ, Cty đăng ký sử dụng dây chuyền luyện, cán thép xuất xứ Trung Quốc và Ý, nhưng nhiều lần Cty tự thay đổi một số lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký và được phê duyệt.
Cty liên tục sản xuất sản lượng thép vượt công suất so với quy định tại giấy CNĐT, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và đánh giá tác động môi trường, như: Năm 2008 vượt 4.212 tấn thép, 9 tháng đầu năm 2009 vượt 32.681 tấn; năm 2013 vượt 50.693 tấn; năm 2015 vượt 43.023 tấn; năm 2016 vượt 43.423 tấn và năm 2017 sản xuất vượt 21.680 tấn thép.
Từ tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với DA Nhà máy Thép Dana - Ý, không phù hợp với quy định ngành nghề công nghiệp nhẹ, ít gây ô nhiễm tại CCN.
Tương tự, việc cấp giấy CNĐT lần đầu cho Cty CP Thép Dana - Úc tại CCN Thanh Vinh không phù hợp với quy định về ngành nghề theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của TP. Vị trí nhà máy thép nằm sát khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 500m theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4449:1987.
Người dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên bao vây 2 nhà máy thép. Ảnh: NP
Trước khi khởi công xây dựng công trình, Cty không làm thủ tục xin phép. Trong sản xuất tự ý thay đổi một số máy móc, thiết bị của hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký. Một số năm hoạt động, Cty đã sản xuất sản lượng thép vượt công suất so với quy định...
Từ năm 2009 đến nay, Cty hoạt động sản xuất nhưng không lập đánh giá tác động môi trường bổ sung phù hợp với công suất tại giấy CNĐT; thay đổi một số máy móc nhưng không lập lại, điều chỉnh, bổ sung đánh giá tác động môi trường, là không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Kết quả thanh tra còn cho thấy, các Cty trên vi phạm về quản lý chất thải nguy hại (chuyển giao cho đơn vị xử lý không có giấy phép), xử lý chất thải rắn rỉ lò không đúng theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt...
Ai chịu trách nhiệm chính?
Để xảy ra các sai phạm trên, trước hết thuộc về các cơ quan tham mưu như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Cty Phát triển hạ tầng và khai thác khu công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Văn phòng UBND TP... đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất; thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm của 2 nhà máy thép.
Hậu quả trên còn thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2007 - 2014 trong việc cấp giấy CNĐT và phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến. Dù UBND TP cấm không cho lắp đặt các lò luyện thép mới trong các khu công nghiệp, nhưng đối với 2 nhà máy thép trên thì “vô tư” và được cấp giấy CNĐT, đánh giá tác động môi trường...
Hiện nay, ông Minh đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác theo quyết định của Cơ quan điều tra Bộ Công an; còn ông Chiến cũng bị khởi tố và cho tại ngoại.
Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho ý kiến chỉ đạo.
Như Báo Thanh tra đã nhiều lần thông tin về “điểm nóng” khiếu kiện môi trường tại xã Hòa Liên. Lãnh đạo UBND TP và huyện Hòa Vang nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với người dân sở tại để tìm ra phương án giải quyết ổn thỏa. TP cũng từng tuyên bố không để 2 nhà máy thép tiếp tục hoạt động, đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận.
Sau đó, TP lại cho phép 2 nhà máy thép trên được tiếp tục hoạt động trong 6 tháng để giải quyết nguyên liệu tồn kho. Đến khi hết hạn sẽ dừng hoạt động.
Dù đã hết hạn cho phép nhưng 2 nhà máy thép vẫn sản xuất, nên những ngày đầu tháng 10/2018, người dân kéo đến bao vây, ngăn không cho xe vận tải ra, vào nhà máy.
Vì vậy, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực, đảm bảo quy định của pháp luật, theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng TP môi trường.
Ngọc Phó
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); việc thực thi công vụ, nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức.
Văn Thanh
19:00 11/12/2024(Thanh tra) - Tình trạng khai thác trái phép đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, khai thác vượt mốc giới, không đúng thiết kế, vượt công suất; việc kinh doanh mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc, qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cơ bản đã được ngăn chặn, số lượng các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm và truy thu số lợi bất hợp pháp tăng gấp nhiều lần.
Hương Trà
18:24 11/12/2024Cảnh Nhật
18:00 11/12/2024Văn Thanh
17:39 11/12/2024Thu Huyền
21:30 10/12/2024Nam Dũng
21:01 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà