Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xem xét điều chuyển Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ để ổn định tình hình ở cơ sở

Văn Thanh

Thứ tư, 20/04/2022 - 14:02

(Thanh tra) - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đang xem xét điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Quan Sơn để ổn định tình hình ở cơ sở vì để trên địa địa bàn quản lý xảy ra tình trạng phá rừng nhưng không báo cáo cấp trên.

Một vụ phá rừng ở huyện vùng cao Quan Sơn. Ảnh: VTV1

Ngày 18/4, trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện, Cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ đối tượng phá rừng trái phép tại lô 13, 14, 15, khoảng 4, tiểu khu 211 (khu vực suối Len, xã Na Mèo) do BQLRPH huyện Quan Sơn nhận khoán bảo vệ.

Ngoài ra, Sở NN&PTNTđã cùng với các ban, Phòng Nội chính của huyện Quan Sơn họp đánh giá về tình hình an ninh trật tự rừng trên địa bàn, đồng thời giao cho Kiểm lâm Thanh Hóa kiểm tra lại một lần nữa để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng này. Hiện nguyên nhân phá rừng vẫn chỉ nghi ngờ là do mâu thuẫn trong việc tranh giành hợp đồng khai thác nứa, vầu nên đã xảy ra hiện tượng phá rừng nói trên. Tang vật vụ án đã được Kiểm lâm Quan Sơn thu về Trạm Piềng Luông.

“Cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng phá rừng đã có bản kiểm điểm và nhận hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc gửi về Sở NN&PTNT. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành họp xem xét xử lý các cán bộ có liên quan, trong đó có cả đối tượng nhận khoán và bảo vệ rừng. Hiện đã kiểm điểm và cho thôi chức vụ Trạm trưởng Trạm Piềng Luông. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ xem xét điều chuyển công tác đối với người đứng đầu là ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc BQLRPH Quan Sơn để ổn định tình hình ở cơ sở vì để trên địa bàn quản lý liên tiếp xảy ra tình trạng phá rừng, đồng thời ông Hoàng Anh cũng đã có tới 9 năm làm lãnh đạo tại BQLRPH Quan Sơn”, ông Thuận nói.

Trước đó, Báo Thanh tra có bài “Thanh Hóa: Để rừng bị phá, Giám đốc BQLRPH Quan Sơn quên báo cáo cấp trên”, nội dung phản ánh Sở NN&PTNT Thanh  Hóa có Thông báo kết luận số 11/TB-SNN&PTNT về việc bàn các giải pháp điều tra, xử lý khai thác rừng tự nhiên trái phép thuộc BQLRPH Quan Sơn quản lý. Theo đó, vào khoảng trung tuần tháng 1/2022 đã xảy ra tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép tại lô 13, 14, 15, khoảng 4, tiểu khu 211 (khu vực suối Len, xã Na Mèo) do BQLRPH huyện Quan Sơn nhận khoán bảo vệ.

Để xảy ra tình trạng này, Sở NN&PTNT khẳng định có nguyên nhân sâu xa từ việc thỏa thuận làm đường, sửa đường bảo vệ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp vận xuất lâm sản ngoài gỗ (nứa, vầu) trong rừng tự nhiên với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, bán nứa, vầu cho đơn vị thu mua) giữa BQLRPH Quan Sơn với một số cá nhân, trong đó có người trú tại tỉnh ngoài và trú ở xã Na Mèo.

Những người này sau đó ủy quyền cho những người khác, trong khoảng thời gian từ 2006-2021 có các biên bản thỏa thuận và ủy quyền trùng lắp trên các tuyến đường để thu mua nứa, vầu dẫn đến mâu thuẫn lợi ích.

Do có người đã bỏ kinh phí làm đường, sửa chữa đường nhưng không được thu mua nứa nan, trong khi đó BQLRPH Quan Sơn đã không xem xét hồ sơ, tình hình thực tế và thời gian biên bản thỏa thuận chưa hết thời hạn đã tùy tiện thay đổi chủ thể, có biểu hiện tùy tiện trong quản lý, không rà soát đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng, khoán làm đường vận chuyển lâm sản, không xem xét đến hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến khai thác lâm sản, làm các công trình lâm sinh phục vụ bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Thanh Hóa còn quy trách nhiệm đối với BQLRPH Quan Sơn không thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững, để xảy ra việc khai thác gỗ trái pháp luật, nhưng không báo cáo.

Ngay sau đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã đề nghị UBND huyện Quan Sơn giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND xã Na Mèo, BQLRPH Quan Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo khẩn trương điều tra, xác định đối tượng khai thác để lập hồ sơ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Về xử lý tang vật thu hồi, trường hợp không xác định được đối tượng khai thác, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện quyết định tịch thu nhập tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với BQLRPH Quan Sơn xem xét lại các hợp đồng nhận khoán, trường hợp có vi phạm phải lập hồ sơ xử lý nghiêm. Đối với xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra khai thác rừng trái phép, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp bảo vệ rừng, Trưởng trạm Bảo vệ rừng Piềng Luông, Phó Giám đốc phụ trách và Giám đốc BQLRPH phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong công tác chỉ đạo, điều hành vì không rà soát các hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, thỏa thuận làm đường, sửa chữa đường vận xuất lâm sản trong rừng, không xây dựng phương án hưởng lợi từ khai thác lâm sản ngoài gỗ (nứa, vầu), không báo cáo Giám đốc Sở về tình trạng khai thác gỗ trái phép ngày 16/1/2022; thực hiện không đúng phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt; trường hợp đến mức phải xem xét trách nhiệm, kỷ luật thì tự nhận hình thức kỷ luật.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông  tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm