Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS. Trần Văn Minh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
Thứ bảy, 19/09/2020 - 07:12
(Thanh tra)- Năm 2020 đánh dấu chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra, đây là một mốc son quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của ngành.
TS. Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Đình Tuệ
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai. Cho nên thanh tra là công tác quan trọng, Đảng và Nhà nước phải chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra".
Từ đó, ngành Thanh tra luôn lấy lời dạy của Người làm tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu phấn đấu "thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới". Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng luôn thấm nhuần tư tưởng của Người "lấy dân làm gốc". Ngay từ những năm đầu, Đảng ta đã lựa chọn những chiến sỹ cách mạng kiên trung nhất để thực hiện công tác thanh tra, đó là đồng chí Bùi Đằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… Điều đó khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác lựa chọn và đào tạo cán bộ làm thanh tra.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung xây dựng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu mà Ban Chấp hành Trung ương đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngành Thanh tra luôn xác định việc nâng cao chất lượng cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng "Công tác phòng, chống tham nhũng sẽ còn quyết liệt hơn trong thời gian tới" như nhận định đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ngành Thanh tra đang đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên của ngành phải không ngừng học tập, trau dồi cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ nhằm tinh gọn đầu mối bên trong, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cục, vụ, đơn vị, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Đây là cơ sở để xây dựng Đề án vị trí việc làm, các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tinh về chất lượng. Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ, công chức phù hợp với năng lực sở trường, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chính quy, bản lĩnh là nhiệm vụ cấp thiết của ngành, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo Trường Cán bộ Thanh tra chủ trì khẩn trương thực hiện việc đổi mới toàn diện về giáo trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, từng bước đưa công chức là trưởng đoàn thanh tra, lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Đối với những công chức đã có nhiều kinh nghiệm tham gia các hoạt động thanh tra thì đây là cơ hội để đúc rút, tổng kết, truyền đạt kinh nghiệm của mình; đồng thời những công chức mới vào ngành sẽ có cơ hội tốt để học hỏi, trao đổi, tương tác và phản biện về những kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước. Đây là cách làm hay, một phương pháp cập nhật kiến thức qua thực tế đã được các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng.
Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, ngành Thanh tra đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 500 lượt cán bộ, công chức; Trường Cán bộ Thanh tra đã mở 90 lớp với 7.983 học viên tham dự chương trình đào tạo thanh tra viên; 59 lớp với 5.205 học viên tham dự chương trình đào tạo thanh tra viên chính và đối với chương trình đào tạo Thanh tra viên cao cấp là 6 lớp với 346 học viên. Đồng thời, trường cũng tổ chức 32 lớp bồi dưỡng kỹ năng tiếp công dân với 4.910 học viên tham dự. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng luôn quan tâm cử cán bộ, công chức của ngành tham dự các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Cơ quan Thanh tra Kiểm toán Hàn Quốc, Cơ quan Đánh giá Hành chính Nhật Bản... Các học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo, chương trình bồi dưỡng đều thu được khối lượng kiến thức lớn, hữu dụng và đáp ứng nguồn nhân lực trong các hoạt động của ngành Thanh tra từ Trung ương tới các địa phương.
Có thể khẳng định chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành đang ngày càng được cải thiện và ngành Thanh tra đã có được đội ngũ cán bộ, công chức đảm đương tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào một số hạn chế còn tồn tại đối với nguồn nhân lực của ngành Thanh tra. Thực trạng trình độ và năng lực của đội ngũ công chức thanh tra hiện nay còn chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế và đặc biệt có một bộ phận công chức thiếu kỷ luật, kỷ cương chưa đảm bảo sự liêm chính trong thi hành nhiệm vụ được giao, như những trường hợp vi phạm phải xử lý hình sự xảy ra trong thời gian vừa qua.
Điều này xuất phát từ việc lực lượng cán bộ ngành Thanh tra thiếu khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quá trình thực thi công vụ; những công chức còn trẻ về tuổi đời, được đào tạo bài bản về chuyên môn thì thiếu kinh nghiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và ứng xử trong công tác thanh tra. Bên cạnh đó, một số công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc bảo thủ, không theo kịp với chủ trương "phục vụ nhân dân"; cơ cấu đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài; tình trạng thiếu đội ngũ kế cận giữa các thế hệ vẫn còn tồn tại; đội ngũ công chức có kinh nghiệm công tác, chuyên môn sâu sau một thời gian công tác trong ngành Thanh tra thì thường xuyên bị điều động thực hiện các nhiệm vụ khác, đặc biệt ở thanh tra địa phương.
Từ những cơ hội và thách thức trên, ngành Thanh tra trong thời gian tới cần quyết tâm thực hiện thắng lợi "Chiến lược phát triển ngành Thanh tra năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó chú trọng vào các nhiệm vụ:
Một là, nghiên cứu, sửa đổi các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đội ngũ thanh tra viên theo hướng chuyên nghiệp. Triển khai đồng bộ, công khai, định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác vừa là tránh tình trạng lạm quyền, vừa để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua nhiều lĩnh vực, nhiều vị trí công tác.
Hai là, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ cũng như thanh tra bộ, thanh tra tỉnh để đảm bảo chức năng giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời đảm bảo việc quản lý tập trung, chỉ đạo thông suốt đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thanh tra sở, thanh tra cấp quận/huyện, thành phố/thị xã. Đây là căn cứ để xây dựng đề án vị trí việc làm toàn ngành Thanh tra ổn định lâu dài, có tính khoa học; xác định cụ thể các yêu cầu năng lực về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đạo đức công vụ đối với từng vị trí công tác. Từ đó, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Ba là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình công tác. Đây phải là việc làm thường xuyên để không những hình thành thói quen sử dụng công nghệ, mà còn giúp cho đội ngũ thanh tra viên của ngành tích cực đón nhận những điều mới, tiến bộ hơn, tránh lối tư duy bảo thủ, cá nhân.
Bốn là, Trường Cán bộ Thanh tra tiếp tục tích cực đẩy nhanh việc cập nhật giáo trình và phương pháp đào tạo. Hiện nay, các chương trình đào tạo thanh tra viên của Trường còn nặng về lý thuyết, chưa có những học phần đi sâu theo từng lĩnh vực như: Tài chính - sử dụng ngân sách Nhà nước, tổ chức cán bộ, tài nguyên - môi trường, đất đai..., nội dung giảng dạy chưa xuất phát từ nhu cầu kiến thức thực tế của người học. Các giảng viên cơ bản là chưa có nhiều thời gian tham gia các đoàn thanh tra, các đoàn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, vì vậy phương pháp truyền đạt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa có nhiều tình huống cụ thể để giúp học viên hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử ngay trong quá trình học. Ngoài ra, chương trình bồi dưỡng cần tăng thời lượng của học phần thực tế, thực hành kỹ năng nghiệp vụ cũng như bổ sung học phần về đạo đức công vụ. Đặc biệt, giáo trình học cần cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật mới ban hành, các thông tin có tính thời sự trong nước và quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, Thanh tra tỉnh Phú Yên tiến hành triển khai 13 cuộc thanh tra; trong đó, triển khai trong kỳ 8 cuộc, kỳ trước chuyển sang 5 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 10.528,038 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính 48 tổ chức, 65 cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Lâm Ánh
19:25 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Thái Hải
19:15 12/12/2024Thái Hải
18:25 12/12/2024Cảnh Nhật
13:23 12/12/2024Cảnh Nhật
09:00 12/12/2024Kim Thành
08:00 12/12/2024Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải
T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý
Trần Quý