Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp tư

Thứ hai, 24/12/2018 - 15:41

(Thanh tra) - Đó là một trong những biện pháp hạn chế hành vi tham nhũng trong khu vực tư được hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học đánh giá cao tại hội nghị ngày 24/12.

Toàn cảnh hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn

Bà Trần Lan Hương, nghiên cứu viên, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra - Chủ nhiệm đề tài “Chủ thể hành vi tham nhũng trong khu vực tư” chỉ ra, thời gian qua tại Việt Nam, việc nhận diện và xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp cho thấy, hành vi tham nhũng chủ yếu diễn ra trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu doanh nghiệp với người lao động được giao quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhưng đã biển thủ, tham ô tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong các vụ án được phát hiện trong thời gian gần đây, đều có những đặc điểm giống nhau đó là: Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ trong doanh nghiệp; quá trình phạm tội đã có sự lợi dụng tín nhiệm hoặc quyền hạn có được từ chức trách, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp. 

Quyền hạn, chức trách của chủ thể phạm tội là do doanh nghiệp giao cho chủ thể (ủy quyền) dưới dạng hợp đồng lao động; lợi ích mà chủ thể phạm tội có được hay thiệt hại kinh tế do hành vi phạm tội gây ra thuộc về doanh nghiệp - người sử dụng lao động của chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng.

Trách nhiệm pháp lý được áp dụng để xử lý chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng chủ yếu là trách nhiệm hình sự mà cụ thể là hình phạt tù. 

Trách nhiệm dân sự được áp dụng là hình phạt bổ sung là bồi thường thiệt hại đã gây ra tương ứng với số tiền có được do hành vi phạm tội mà có.

Một số doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ

Từ thực trạng nói trên, theo bà Hương, việc hoàn thiện các quy định của doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp là rất cần thiết. 

Phải có quy định các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng áp dụng đối với các chủ thể có nguy cơ tham nhũng tại toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư nhằm điều chỉnh các hành vi tham nhũng của các chủ thể có chức vụ, quyền hạn tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư cũng như giúp các đối tượng này thực hiện nhiệm vụ của mình một cách phù hợp và đúng pháp luật. 

Cần quy định các biện pháp mang tính khuyến khích như việc ban hành và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức kinh doanh tại các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 

Mặt khác, xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích và ngăn chặn hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư cũng là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng áp dụng đối với các chủ thể có nguy cơ tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư.

Thời gian gần đây, có một số ít doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ, điển hình là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Để giảm thiểu gian lận, tham nhũng, Vinamilk đã ban hành những quy tắc nội bộ quy định tổ chức kiểm soát qua nhiều phân lớp: Thiết kế kiểm soát, thực thi kiểm soát, kiểm tra độc lập sự tuân thủ các kiểm soát. 

Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra chéo thông qua tự kiểm tra và kiểm tra độc lập của bên thứ ba, phân tách rõ ràng các nhiệm vụ, trách nhiệm của các phân lớp. 

Chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm cũng được quy định rất rõ ràng, bất kỳ người nào bị phát hiện tham nhũng sẽ bị cách chức, chuyển công việc khác thậm chí là sa thải, các biểu hiện, hoạt động có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ sẽ được kiểm toán nội bộ tổ chức điều tra một cách độc lập. 

Các quyết định quan trọng đều được kiểm soát tính tuân thủ chính sách, quy định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để các quy định của doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng trong nội bộ của doanh nghiệp được hoàn thiện hơn, bà Hương cũng đưa ra thêm một giải pháp đó là cần quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng áp dụng đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng. 

Đối với các nhóm chủ thể tham nhũng tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng cần áp dụng các chế tài có tính bắt buộc.

Ngoài ra sẽ áp dụng chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, theo đó, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; cấp phó của người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách, và người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên đới.

Không chỉ vậy, khi vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, còn người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì bị xử lý theo điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp đó. 

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bảo Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm