Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyên Quang: Không xảy ra khiếu kiện phức tạp, không phát sinh điểm nóng

Thứ bảy, 14/10/2017 - 06:50

(Thanh tra) - Sau 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân (1/7/2014 đến 1/7/2017), tỉnh Tuyên Quang đã tiếp hơn 16 nghìn lượt công dân với hơn 14,2 nghìn người, trong đó có 56 đoàn đông người nhưng không có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt không phát sinh điểm nóng về khiếu tố.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TK

Ngay sau khi Luật Tiếp công dân 2013 có hiệu lực, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện; việc quán triệt và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) được cụ thể hóa; chế độ báo cáo được thực hiện đồng thời với công tác tuyên truyền, quán triệt Luật Tiếp công dân.

Tổng kết 3 năm thực hiện Luật, các vụ việc vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm là đất đai và việc thực hiện các chế độ chính sách, trong đó: KN: 720 vụ việc; TC: 292 vụ việc; kiến nghị, phản ánh: 5.681vụ việc. Qua đó, toàn tỉnh đã tiếp nhận 12.109 đơn, trong đó đơn KN, TC thuộc thẩm quyền 1.250 đơn; đã chuyển cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết 968 đơn, hướng dẫn 556 đơn, đơn thuộc thẩm quyền 812 đơn.

Cũng từ khi thi hành Luật Tiếp công dân, công tác tiếp công dân ở Tuyên Quang có nhiều cải tiến, chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp; phòng tiếp công dân được bố trí đầy đủ, cán bộ tiếp công dân có phẩm chất, đạo đức, có chuyên môn; lịch tiếp công dân của lãnh đạo được niêm yết công khai... Vì vậy, các KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân được giải quyết kịp thời; công tác tiếp công dân cũng được gắn chặt chẽ với việc giải quyết KN, TC, phòng, chống tham nhũng.

Toàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn xong hệ thống Ban Tiếp công dân các cấp theo quy định. Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân được đề cao, trình độ và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân được nâng lên. Công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC ngày càng chặt chẽ.

7 tập thể, 14 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện Luật Tiếp công dân giai đoạn 2014 - 2017. Ảnh: TK

Tuy vậy, trong thời gian qua, công tác này tại Tuyên Quang vẫn còn những khó khăn và tồn tại những bất cập, hạn chế… Trong đó, nhiều nơi trụ sở tiếp công dân đã xuống cấp; ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân ở vùng sâu vùng xa còn hạn chế; cán bộ tiếp công dân phải kiêm nhiệm, nhiều người còn hạn chế về năng lực, trình độ; phụ cấp đối với cán bộ tiếp công dân nhiều nơi chưa thỏa đáng; còn có lãnh đạo các ngành, các cấp chưa đề cao trách nhiệm trong việc giải quyết KN, TC; công tác tuyên truyền nhiều nơi chưa hiệu quả...

Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, nhất là công tác quản lý đất đai còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm hoặc thực hiện thiếu công khai, dân chủ, công bằng, dẫn đến công dân không chấp nhận, phát sinh KN, TC.

Một khó khăn khác mà không chỉ xảy ra ở Tuyên Quang, đó là việc phân định chưa phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ và vị trí của Ban Tiếp công dân trong công tác tham mưu giải quyết KN, TC. Vì, theo Luật Tiếp công dân, Ban Tiếp công dân do UBND thành lập, là đơn vị trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, là nơi tiếp công dân đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh; xử lý đơn; tham mưu về giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, là cơ quan có con dấu riêng, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhưng trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, việc này dẫn đến sự bất cập giữa vị trí với vai trò, nhiệm vụ được giao của Ban Tiếp công dân tỉnh.

Tại Hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân của tỉnh Tuyên Quang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm đồng thời yêu cầu cả bộ máy hành chính của tỉnh phải vào cuộc theo tinh thần xây dựng, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân; xác định công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm đối với nhân dân. 

Việc KN, TC của người dân phải giải quyết với tinh thần, trách nhiệm cao, đúng pháp luật ngay tại cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải dồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc kéo dài, lấy kết quả công tác này làm cơ sở đánh giá cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

"Chủ tịch các huyện, thành phố phải thống nhất trong chỉ đạo, gắn tiếp công dân với giải quyết KN, TC; quan tâm đến đội ngũ cán bộ tiếp dân, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng làm tốt công tác dân vận. Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các lĩnh vực phát sinh KN, TC, báo cáo kịp thời UBND tỉnh nếu có khiếu kiện đông người. Đặc biệt, các huyện, thành phố chủ động đối thoại với tổ chức, cá nhân để giải quyết tốt KN, TC, tránh sự lôi kéo của các phần tử xấu; phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Dịp này, 7 tập thể, 14 cá nhân có thành tích trong thực hiện Luật Tiếp công dân giai đoạn 2014 - 2017 đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Trần Kiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm