Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Thanh tra trong hệ thống chính trị Việt Nam

Thái Hải

Thứ tư, 18/11/2020 - 16:16

(Thanh tra) - Ngày 18/11, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo với chủ đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”. Các Phó Tổng Thanh tra: Nguyễn Văn Thanh; Trần Văn Minh tham dự và chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu dẫn đề, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh khẳng định: Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước qua các giai đoạn lịch sử.

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh phát biểu dẫn đề. Ảnh: TH

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh cho rằng, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đang đứng trước thời cơ và thách thức đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức hoạt động nhằm phục vụ có hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng, Quốc hội; phục vụ trực tiếp công tác quản lý điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và hỗ trợ, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Do đó, yêu cầu củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra lên một tầm cao mới trên nền tảng truyền thống và dựa trên các cơ sở khoa học thực sự vững chắc là khách quan và bức thiết.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào. Ảnh: TH

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào:

Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp chúng ta thêm vững tin, vượt qua khó khăn

Ông Lê Tiến Hào cho rằng, hơn lúc nào hết những người làm công tác lãnh đạo, quản lý và công tác thanh tra phải quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối  của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Ngành Thanh tra không chỉ nâng cao nhận thức mà phải nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra, nhất là người đứng đầu cơ quan.

Hoạt động thanh tra phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực trong từng thời gian.

Đồng thời, cần hướng hoạt động thanh tra hành chính vào việc giám sát, đánh giá chính sách, tăng cường hoạt động thanh tra diện rộng.

Ngoài ra, công tác thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đảm bảo khách quan, chính xác, công khai, dân chủ. Kết luận thanh tra phải đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn, khả thi.

Đặc biệt, phải quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính.

Hoạt động thanh tra phải có sự phối hợp chặt chẽ với các hoạt động kiểm tra, kiểm toán, giám sát. Trước hết phải phối hợp trong xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hàng năm để tránh chồng chéo, trùng lặp.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng. Ảnh: TH

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng:

Vị thế của ngành Thanh tra ngày càng được khẳng định

Ôn lại lịch sử hình thành, phát triển và những đóng góp to lớn của ngành Thanh tra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhấn mạnh: Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, công tác thanh tra luôn là một yêu cầu khách quan, là chức năng thiết yếu, không thể thiếu được trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Sau khi phân tích quá trình, kết quả hoạch định của ngành Thanh tra trong từng giai đoạn lịch sử, ông Lượng khẳng định: “Nhìn lại cả quá trình xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra đã có những chuyển biến quan trọng cả về tổ chức và hoạt động; đã xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đã tạo điều kiện, tiền đề để công tác thanh tra chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Hoạt động thanh tra đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vị thế của ngành Thanh tra ngày càng được khẳng định”.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: TH

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh:

Xác định hoạt động thanh tra là công cụ quản lý chuyên nghiệp

Phó Tổng Thanh tra cho rằng, xác định hoạt động thanh tra là công cụ quản lý chuyên nghiệp, trong Luật Thanh tra mới cần nhấn mạnh 4 chức danh quản lý và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, đó là: Thủ tướng, Tổng Thanh tra, bộ trưởng và chủ tịch các tỉnh.

Đặc biệt, luật mới cần phải phân biệt được hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra trong quản lý Nhà nước mà không phải là hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh tư tưởng nhất quán xây dựng luật thanh tra là đơn giản hóa các thủ tục trong hoạt động thanh tra: Người thanh tra, cơ quan thanh tra, quy trình thanh tra. Phải khắc phục được hạn chế là dàn trải, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cần phải có đặc quyền thanh tra. Tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức thanh tra với việc đưa ra các quy định về quản lý các chức danh, nhất là các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra Nhà nước để không có tình trạng những người chưa từng làm thanh tra được đưa về lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra và ngược lại.

Thanh tra sở cũng chỉ tổ chức ở một số nơi và trong một số lĩnh vực cần thiết, tránh tình trạng không ít thanh tra sở chỉ 1 - 2 người. Lĩnh vực nào không có thanh tra sở thì thanh tra tỉnh đảm nhiệm luôn chức năng thanh tra chuyên ngành. Thanh tra tỉnh sẽ được tổ chức thành các đơn vị để phụ trách địa bàn.

Trong luật cũng có những quy định mới về thanh tra viên, trường thanh tra, đặc biệt là bồi dưỡng nghiệp vụ, phân rõ thẩm quyền xử lý đối với các đối tượng bị thanh tra, cho họ có quyền về phương án lộ trình đề khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Đặng Minh Đạt. Ảnh: TH

Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh Đặng Minh Đạt:

Mạnh dạn trao quyền và quy định cụ thể những nội dung của kết luận thanh tra có tính chất bắt buộc

Theo ông Đạt, để hoạt động thanh tra thực sự hiệu quả, cần mạnh dạn trao quyền và quy định cụ thể những nội dung của kết luận thanh tra có tính chất bắt buộc phải thực hiện ngay đối với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Mặt khác, ban hành các quy định chi tiết, cụ thể về cách thức thực hiện các quyền của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của đoàn thanh tra như: Quyền tạm đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân; quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản để phong tỏa tài khoản đó phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản; quyền kiến nghị tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với các cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra, quyền trưng cầu giám định.

Trong tất cả các hoạt động, đều phải có thời hạn cụ thể và biện pháp chế tài kèm theo khi không thực hiện đúng kế hoạch. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để vừa nâng cao tính trách nhiệm của công chức, cơ quan thanh tra, vừa tạo sự nghiêm minh trong triển khai thực hiện của đối tượng thanh tra, các cơ quan thanh tra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan….

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm