Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/11/2017 - 06:23
(Thanh tra)- “Cần tập trung làm tốt các công cụ phòng ngừa để không thể tham nhũng. Là con người khi để tiền trước mắt mà không có ai thì lòng tham dễ phát sinh. Chúng ta không để chuyện đó xảy ra thì không thể tham nhũng. Còn đã tham nhũng, phát hiện phải xử lý nghiêm để không dám tham nhũng”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái bình bày tờ trình dự án Luật PCTN (sửa đổi) tại hội trường. Ảnh: TN
Chiều ngày 9/11, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại hội trường, Quốc hội về tổ thảo luận dự luật này.
Lấy phòng là chính
Phát biểu tại tổ, theo Tổng Thanh tra, tham nhũng rất phức tạp, người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết. Một khi có ý đồ giấu diếm thì phát hiện rất khó khăn.
“Trong PCTN, quan điểm của cá nhân tôi phòng là chính, thiết kế khuôn khổ pháp lý làm sao để người có ý đồ muốn tham nhũng không thể tham nhũng. Còn để tham nhũng rồi mới phát hiện, xử lý cũng mất thời gian, rồi tài sản của Nhà nước không thu hồi được. Chưa kể, mình mất cán bộ, tù tội, thậm chí tử hình… rất đau xót”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Nội dung tờ trình của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều rất quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa. Theo Tổng Thanh tra, phòng ngừa có rất nhiều công cụ. Đầu tiên là, thiết kế quy chế làm việc hết sức chặt chẽ, rồi có tiêu chuẩn định mức. Tiếp đó, công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác; kê khai tài sản, thu nhập.
“Theo Luật PCTN năm 2005, hơn 1,1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản. Nhưng kê khai rồi, kiểm tra thì đánh giá còn hình thức. Lần này, khi sửa đổi, cần tập trung trí tuệ tập thể, tính toán đối tượng để làm sao quản lý được, làm sao kê khai không trung thực buộc phải trung thực và phải báo cáo nguồn gốc tài sản rõ ràng. Nếu làm tốt điều này thì vừa phòng ngừa được tham nhũng, vừa ngăn chặn, xử lý kịp thời”.
Tổng Thanh tra đề nghị, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận, phân tích rất kỹ để thiết lập khuôn khổ pháp lý phòng ngừa thật chặt, để “muốn tham nhũng, lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi cũng không thể tham nhũng vì đã có cơ chế kiểm soát”.
Minh bạch, công khai là số 1
Cũng nhấn mạnh, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng “hết sức quan trọng”, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, “trong mấy cái không thì không thể tham nhũng phải là yếu tố hàng đầu”.
“Tôi cho rằng muốn thành công trong PCTN thì minh bạch, công khai là yêu cầu số 1, nhưng hình như trong văn bản này không đề cập sâu lắm. Các chương trình, dự án phải công khai, minh bạch chứ. Ví dụ dự án BOT thì hình thức công khai, minh bạch thế nào. Mặc dù, chúng ta có đủ quy định về đấu thầu, nhưng trong quá trình đấu thầu vẫn hình thành các lợi ích nhóm để hồ sơ thắng thầu hoàn toàn hợp lệ, nhưng bên trong đó là bắt tay nhau. Công khai, minh bạch cần đề cập rất sâu”, Thượng tướng nhấn mạnh.
Đi cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ việc kê khai, kiểm soát thu nhập. Thứ trưởng Công an nêu, “đã kê khai rồi nhưng kiểm soát thế nào? Phải kiểm soát đường đi của đồng tiền, tất cả các nhân viên Nhà nước phải thực hiện trả lương qua tài khoản, giao dịch qua tài khoản. Tại sao khi Trung Quốc kiểm tra những đối tượng bị xử lý về tham nhũng, thấy có rất nhiều tiền mặt trong nhà, vì luật của họ quy định chặt, mang tiền đi gửi không được, mua bất động sản, vàng bạc đều bị lộ”.
Quan tâm đến các biện pháp kiểm soát, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, nếu công khai tài sản ở nơi làm việc và nơi cư trú thì người dân rất yên tâm.
“Ông Lợi có cái gì trong nhà dân chả biết, chả gì dân không biết cả. Bảo công khai chi bộ quá bằng giấu cho kín! Chi bộ đâu có kiểm soát nhau, ngày nào cũng kiểm điểm hoặc động viên, có khuyết điểm thì nói, có ai chê ai đâu, nhưng sau đó có khi nói điều không hay”, ông Lợi nêu ý kiến.
Được bổ nhiệm phải “hứa” không tham nhũng
Liên quan đến đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, hiện có ý kiến khác nhau. “Cán bộ, công chức Nhà nước phải thực hiện kê khai tài sản để hình thành ý thức công khai, minh bạch. Đó là những đối tượng tiếp xúc với dân hàng ngày, cũng là đầu mối đặt vấn đề gợi ý sách nhiễu, tham nhũng. Đừng nghĩ chỉ người có chức, có quyền mới tham nhũng”, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ quan điểm, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.
Theo ông Hạ, điều này cũng giúp cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, khi có vấn đề hay bổ nhiệm có thể dễ dàng kiểm tra, xem xét. “Tôi cũng đề nghị, mỗi một cán bộ khi được bổ nhiệm thì nên có 1 cam kết, hứa PCTN, hứa không tham nhũng mặc dù là hình thức thôi nhưng rõ ràng cũng thể hiện trước tổ chức, đơn vị. Giống ngày xưa các cụ có khoản dưỡng liêm, hàng tháng nhận khoản tiền đó nhắc nhở phải dưỡng liêm”, ĐBQH đoàn Bạc Liêu nói.
Về việc mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước, Thượng tướng Lê Quý Vương bày tỏ quan điểm đồng tình. “Qua điều tra các vụ án về kinh tế cũng dễ thấy có sự đan xen giữa những người hoạt động kinh tế với trách nhiệm của cơ quan quản lý, như khai thác cát sỏi, phá rừng, đất đai...”, ông Vương cho hay.
Cùng quan điểm, theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), không ít trường hợp doanh nghiệp tiếp tay cho việc thực hiện hành vi tham nhũng của cán bộ, cơ quan Nhà nước bằng các hợp đồng kinh tế, mối quan hệ để hợp lý hóa tài sản, hóa đơn chứng từ…
Thông qua tại 3 kỳ họp: Chậm một chút nhưng chắc Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN, đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Dự thảo có 129 điều, giữ nguyên 7 điều, sửa 73 điều, thêm vào 49 điều với nhiều nội dung mới như xung đột lợi ích, mở rộng phạm vi điều chỉnh… còn nhiều ký kiến khác nhau. “Nếu dự án này thông qua trong 2 kỳ họp nhanh hơn được 6 tháng, 3 kỳ thì chậm hơn. Nhưng tôi nghĩ chậm một chút nhưng chắc, chất lượng cao hơn, tổ chức thực hiện được. Chứ đặt ra nhiệm vụ cho những cơ quan có chức năng mà không thực hiện hết trong luật thì cũng bị kiểm điểm, cũng rất áy náy trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Cho nên, mức độ đặt ra phải đáp ứng được yêu cầu thực tế trong điều kiện hiện nay về nhân lực, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm…”, Tổng Thanh tra bày tỏ mong muốn, các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến để Thanh tra Chính phủ hoàn chỉnh dự luật. |
Trình bày tờ trình dự án luật tại hội trường Quốc hội, theo Tổng Thanh tra, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta.
Kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, những bất cập của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cụ thể:
1 - Quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.
2 - Quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ áp dụng đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) dẫn đến khó thực hiện trên thực tế.
3 - Chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm giảm hiệu quả phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.
4 - Các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
5 - Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập còn chưa hiệu quả.
6 - Các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan.
7 - Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo còn chưa đầy đủ, chưa phát huy được sự tham gia của người dân trong việc phát hiện hành vi tham nhũng.
8 - Chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản pháp luật khác dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, thiếu biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật PCTN.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 2984/QĐ-UBND ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2025.
Lâm Ánh
19:36 12/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, Thanh tra tỉnh Phú Yên tiến hành triển khai 13 cuộc thanh tra; trong đó, triển khai trong kỳ 8 cuộc, kỳ trước chuyển sang 5 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 10.528,038 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính 48 tổ chức, 65 cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Lâm Ánh
19:25 12/12/2024Thái Hải
19:15 12/12/2024Thái Hải
18:25 12/12/2024Cảnh Nhật
13:23 12/12/2024Cảnh Nhật
09:00 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC