Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là việc làm thường xuyên

Trần Kiên

Thứ sáu, 01/10/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Dịch bệnh Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp (DN) tỉnh Hòa Bình lao đao. Bên cạnh việc thực hiện tốt Quy chế Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh, Thanh tra tỉnh Hòa Bình cũng linh hoạt điều chỉnh kế hoạch công tác để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD), song vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hội nghị đánh giá năm thứ 2 thực hiện Quy chế Phối hợp giữa Thanh tra tỉnh Hòa Bình và HHDN tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 22/9 vừa qua. Ảnh: HHDN tỉnh Hòa Bình

Là địa phương giáp ranh với TP Hà Nội và là cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra nhiều phương án chống dịch ngặt nghèo để bảo vệ địa phương, tới nay, vẫn là “vùng xanh” trong đại dịch và giữ được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có mức tăng trưởng dương.

Để thực hiện được “mục tiêu kép” là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, trong đó có đóng góp tích cực của lực lượng công chức ngành Thanh tra tỉnh.

Hoãn thanh tra DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Trường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và các chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thanh tra tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác xây dựng kế hoạch và thực thi nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.

Thanh tra tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng tập trung thực hiện thanh tra công vụ, hạn chế thanh tra, kiểm tra DN; đồng thời rà soát xử lý chồng chéo, trùng lặp, thống nhất với các tổ chức thanh tra, không tổ chức thanh tra quá 1 lần/năm đối với các DN trên địa bàn.

Trong 9 tháng đầu năm, hầu hết các cuộc công bố quyết định thanh tra, thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh đều hạn chế số lượng thành phần tham dự. Sau khi công bố quyết định thanh tra, hồ sơ thanh tra cũng được đem về trụ sở các cơ quan thanh tra để kiểm tra, xem xét, không thực hiện làm việc trực tiếp tại các đơn vị, DN được thanh tra nhằm phòng dịch và tránh gây phiền hà cho các đơn vị, DN.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn một số huyện và các địa phương giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các DN, Thanh tra tỉnh đã có văn bản tạm dừng, tạm hoãn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính đối với các tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Lạc Sơn và huyện Lương Sơn; tạm dừng thanh tra tại một số đơn vị, DN khác trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khối lượng công việc trong năm rất lớn, lại nhiều nhiệm vụ đột xuất, nhưng Thanh tra tỉnh luôn chú trọng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Phối hợp và hỗ trợ DN là việc làm thường xuyên

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho biết, việc hỗ trợ và tạo điều kiện để các DN trên địa bàn phát triển SXKD đã trở thành việc làm thường xuyên của Thanh tra tỉnh.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 còn chưa xuất hiện ở nước ta, nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về chi phí thời gian và các chi phí không chính thức, ngày 24/5/2019, Thanh tra tỉnh Hòa Bình và HHDN tỉnh Hòa Bình đã ký kết Quy chế Phối hợp để cùng trao đổi, cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh (KNPA) về thanh tra, khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Thực hiện quy chế, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác PCTN; văn bản liên quan đến việc cải thiện chỉ số chi phí không chính thức; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng kế hoạch thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN liên quan đến DN.

Thanh tra tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để xử lý và thông báo công khai kết quả xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giải đáp những khó khăn vướng mắc của DN trong hoạt động SXKD thuộc thẩm quyền của cơ quan thanh tra.

Ngành Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho thủ trưởng cùng cấp giải quyết triệt để các KNPA, KN, TC của DN theo đúng tinh thần quy chế phối hợp; tăng cường tiếp xúc, trao đổi với DN để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn của DN.

Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đã thành lập và công khai “đường dây nóng” để tiếp nhận và xử lý các KNPA của người dân, DN, nhà đầu tư về các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ...

Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, sau từng năm thực hiện quy chế, 2 bên đều tiến hành đánh giá và cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực; tuy nhiên các DN, nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn TC, báo cáo về hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà cho DN.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Qua 9 tháng đầu năm, ngành Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã triển khai 60 cuộc thanh tra hành chính (8 cuộc đột xuất); đã kết thúc 40 cuộc (có 5 cuộc đột xuất). Qua thanh tra phát hiện 85/254 đơn vị có sai phạm về kinh tế với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng (đã nộp 97%), xử lý khác 3,2 tỷ đồng, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm 65 tập thể và 150 cá nhân...

Thanh tra các sở, ngành đã triển khai 29 cuộc thanh tra chuyên ngành và 150 cuộc kiểm tra chuyên ngành (có 3 cuộc đột xuất); đã kết thúc 13 cuộc thanh tra, 140 cuộc kiểm tra. Qua thanh tra chuyên ngành phát hiện 12/95 tổ chức, 15/28 cá nhân có vi phạm; qua kiểm tra phát hiện 110/235 tổ chức và 395/880 cá nhân có vi phạm. Tiến hành lập 532 biên bản vi phạm hành chính, ban hành 502 quyết định xử phạt với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 1 tổ chức với số tiền 693 triệu đồng, tịch thu 18,894m3 gỗ các loại, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 32 trường hợp…

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra cũng trực tiếp thực hiện tiếp công dân, đồng thời tham mưu cho Thủ trưởng cùng cấp tiếp công dân đúng quy định. Qua 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 803 đoàn với 1.022 lượt người đến trụ sở tiếp dân để KN, TC, KNPA.

Các cơ quan thanh tra cũng tham mưu thủ trưởng cùng cấp giải quyết đơn KN, TC, KNPA; qua 9 tháng đầu năm đã xác minh xong 13/21 vụ việc KN, 4/4 vụ việc TC và 660/665 đơn KNPA; các vụ việc còn lại đang tiếp tục xác minh. Các cơ quan thanh tra cũng xác minh xong 6 vụ KN, 7 vụ TC năm 2020 chuyển sang.

(BÀI TUYÊN TRUYỀN THEO NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm