Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ xóa cấp phòng ở 3 vụ

Thứ sáu, 20/04/2018 - 09:36

(Thanh tra)- Theo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ (TTCP), có 3 vụ không có cấp phòng.

TTCP là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN theo quy định của pháp luật.

Cụ thể gồm: Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, giải quyết KN, TC khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, giải quyết KN, TC khối văn hóa, xã hội (Vụ III).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 50/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP. Nghị định này thay thế Nghị định 83/2012/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 29/5/2018.

Quyết định thanh tra lại khi có dấu hiệu vi phạm luật

Theo Nghị định, TTCP có nhiệm vụ, quyền lập kế hoạch thanh tra của TTCP; hướng dẫn thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (thanh tra bộ), thanh tra tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (thanh tra tỉnh) xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.

Cùng với đó, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

TTCP còn có nhiệm vụ kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh và của chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, chánh thanh tra cấp tỉnh khi cần thiết.

TTCP có quyền, nhiệm vụ trình Chính phủ dự thảo luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật thanh tra hàng năm của TTCP đã được phê duyệt và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN.

Nghị định nêu rõ, TTCP có quyền đề nghị bộ trưởng, yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của bộ, của UBND cấp tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.

Kiến nghị bộ trưởng đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ quy định do bộ đó ban hành trái với quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên, của Tổng TTCP về công tác thanh tra; trường hợp bộ trưởng không đình chỉ hoặc không bãi bỏ văn bản đó thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định của UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tinh trái với quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên, của Tổng TTCP về công tác thanh tra.

TTCP cũng có nhiệm vụ kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Thủ tướng có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra….

Có quyền xem xét, kết luận việc giải quyết tố cáo của Bộ trưởng

Về tiếp công dân, giải quyết KN, TC, TTCP tổ chức việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn KN, TC; giải quyết KN, TC theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Xác minh nội dung TC, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý TC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao; xem xét, kết luận việc giải quyết TC mà bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp kết luận việc giải quyết TC có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại.

TTCP giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết KN, thi hành quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật; chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về KN,TC.

Về PCTN, TTCP có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và PCTN trong công tác thanh tra. Cùng với đó, thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và Chính phủ.

Quản lý, bổ nhiệm các ngạch công chức thanh tra

TTCP còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và Ban Nội chính T.Ư trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác PCTN; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp PCTN.

Cũng theo Nghị định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN, TTCP được áp dụng các quyền hạn của TTCP theo quy định của pháp luật; được yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đoàn thanh tra.

TTCP thực hiện chức năng cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế về công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN; chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra; thực hiện quản lý, bổ nhiệm các ngạch công chức thanh tra theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cấp thẻ thanh tra viên cho công chức, sỹ quan được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên trong toàn ngành thanh tra; ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chánh thanh tra, phó chánh thanh tra bộ và chánh thanh tra, phó chánh thanh tra tỉnh.

Thống nhất với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ và chánh thanh tra tỉnh.

TTCP có nhiệm vụ, quyền quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TTCP theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, TTCP thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật….

TTCP có 19 đơn vị

Nghị định nêu rõ, cơ cấu tổ chức của TTCP có 19 đơn vị.

Theo đó, Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; Vụ Thanh tra, Giải quyết KN, TC khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, Giải quyết KN, TC khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, Giải quyết KN, TC khối văn hóa, xã hội (Vụ III); Cục Thanh tra, Giải quyết KN, TC khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, Giải quyết KN, TC khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, Giải quyết KN, TC khu vực 3 (Cục III); Cục PCTN (Cục IV); Ban Tiếp công dân T.Ư là các đơn vị giúp Tổng Thanh tra thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Còn Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra; Trung tâm Thông tin là các đơn vị sự nghiệp.

Theo Nghị định, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế có 2 phòng; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp và Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra có 3 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ có 4 phòng; Văn phòng có 5 phòng; Cục I, Cục II, Cục III có 4 phòng; Cục IV, Ban Tiếp công dân T.Ư có 5 phòng.

Ban Tiếp công dân T.Ư có con dấu riêng và có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp Công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước ở TP Hồ Chí Minh.

Tổng TTCP được giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các vụ, cục, đơn vị trực thuộc TTCP.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp: Phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp: Phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành

(Thanh tra) - Năm 2024, được sự quan tâm và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, sự quan tâm Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phong trào thi đua của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp được triển khai đầy đủ, kịp thời. Việc tổ chức triển khai phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, gắn với các hoạt động chuyên môn, các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể…

Thu Huyền

06:00 12/12/2024

Tin mới nhất