Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực

Thanh Thanh

Thứ sáu, 19/07/2024 - 21:45

(Thanh tra) - Theo Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh, trong hoạt động thanh tra hành chính, đoàn thanh tra đã chỉ ra cho các đơn vị được thanh tra một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc có ý kiến dư luận để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa và tăng cường hơn nữa công tác tự kiểm tra, giám sát.

Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh. Ảnh: T.T

Đến nay, Thanh tra Bộ ngoại giao đã triển khai 7/18 cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2024. Việc triển khai công tác thanh tra của Bộ Ngoại giao quý II và 6 tháng đầu năm 2024 đã bám sát chương trình, kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt.

Kế hoạch tiến hành từng cuộc thanh tra được triển khai sớm nhằm đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục, nội dung, chất lượng theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Trong hoạt động thanh tra hành chính, ngoài việc đánh giá, rà soát việc tuân thủ pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Đoàn thanh tra cũng chỉ ra cho các đơn vị được thanh tra một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc có ý kiến dư luận.

Qua đó, yêu cầu đối tượng thanh tra rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình, quy chế có liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa và tăng cường hơn nữa công tác tự kiểm tra, giám sát trong đơn vị.

Giải quyết đơn kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài, vượt cấp

 Do đặc thù của lĩnh vực đối ngoại, số lượng, nội dung và tính chất đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC) không nhiều, ít phức tạp, phần lớn không thuộc thẩm quyền. Mặc dù vậy, công tác giải quyết đơn KNTC tiếp tục được lãnh đạo Bộ Ngoại giao coi trọng, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài, vượt cấp.

Về tình trạng đơn KNTC, phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền, không đủ điều kiện xử lý với nội dung trùng lặp, gửi cùng lúc đến nhiều cơ quan, trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tiếp tục diễn ra phổ biến, Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho rằng nguyên nhân chủ yếu do người KNTC không nắm rõ các quy định của pháp luật, không xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh đó, vẫn diễn ra tình trạng một số cá nhân dù biết Bộ Ngoại giao không có thẩm quyền giải quyết, đã được Thanh tra Bộ hướng dẫn nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn.

Nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động ngành Ngoại giao về công tác PCTN

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao chú trọng, triển khai nghiêm túc, đầy đủ; kịp thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực cũng như ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đối với công tác 6 tháng cuối năm 2024, Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho biết, Thanh tra Ngoại giao đang tập trung triển khai thanh tra hành chính đối với 3 đơn vị thuộc Bộ, 4 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 4 địa phương theo kế hoạch. Đồng thời chuẩn bị ban hành kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan, đơn vị được thanh tra.

Ngoài việc đề xuất nội dung xây dựng Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 và Kế hoạch thanh tra năm 2025 gửi Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Ngoại giao sẽ xây dựng 3 quy trình cấp Bộ về công tác thanh tra theo các quy định mới của Luật Thanh tra là thanh tra hành chính; thanh tra chuyên ngành; giám sát, xử lý sau thanh tra.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tăng cường phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giữa thanh tra các bộ, ngành thuộc Khối Văn hóa - Xã hội; kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thanh tra nhằm đảm bảo năng lực khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn KNTC; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ báo cáo; cập nhật thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về giải quyết KNTC.

Tăng cường phổ biến, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC cho cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Sớm ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ về tăng cường công tác PCTN, tiêu cực; tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2024 của Bộ Ngoại giao.

Chuẩn bị phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo của Bộ về PCTN, tiêu cực dự kiến tháng 9 tới; kiểm tra chuyên đề về PCTN, tiêu cực tại 2 cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản theo kế hoạch.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định cập nhật của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sự tự giác, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ về công tác này.

Tới đây, Thanh tra Ngoại giao sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về PCTN; thực hiện các nhiệm vụ của Việt Nam trong thực hiện cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chuẩn bị nội dung tham dự Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc lần thứ 15 về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho biết thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm