Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tài chính

Trần Quý

Thứ sáu, 02/08/2024 - 12:44

(Thanh tra) - Ngày 1/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ban hành Quyết định số 1836/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính thay thế Quyết định số 2088/QĐ-BTC ngày 16/10/2017.

Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tài chính. Ảnh: TQ

Thanh tra Bộ Tài chính là cơ quan của Bộ Tài chính, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Tổng cục và Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ Tài chính chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ Tài chính có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Về thanh tra, tham mưu, xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính, hướng dẫn xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục và Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục và Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính; thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, trừ lĩnh vực được phân cấp cho Thanh tra Tổng cục và Tổng cục, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục và Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính đã có kết luận của Thanh tra Sở Tài chính nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tài chính...

Cơ cấu tổ chức, Thanh tra Bộ Tài chính có 11 phòng chức năng. Ảnh: TQ

Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp, xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung trong phạm vi cả nước trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội;

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật…

Thanh tra Bộ Tài chính có 11 phòng chức năng gồm: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Thanh tra ngân sách; Phòng Thanh tra vốn đầu tư xây dựng; Phòng Thanh tra tài chính các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Phòng Thanh tra tài chính doanh nghiệp; Phòng Thanh tra các quỹ và tổ chức tài chính; Phòng Thanh tra chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phòng Thanh tra hành chính; Phòng Thanh tra đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phòng Quản lý các vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân và Phòng Xử lý sau thanh tra.

Thanh tra Bộ Tài chính làm việc theo tổ chức phòng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đối với những công việc thực hiện theo chế độ chuyên viên, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thanh tra Bộ Tài chính có Chánh Thanh tra và một số Phó Chánh Thanh tra.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Bộ Tài chính; quản lý công chức, tài sản được giao theo quy định.

Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tài chính theo quy định tại tại quyết định này; thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản liên quan.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm