Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phê duyệt thuyết minh Đề tài "Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp"

Thái Hải

Thứ năm, 11/11/2021 - 20:00

(Thanh tra) - Theo Chủ nhiệm Đề tài, việc phân chia chức năng hiện nay cho các cục, vụ còn một số điểm chưa theo đúng nguyên tắc tổ chức các cơ quan hành chính Nhà nước và quy định chung của Chính phủ; việc phân chia chức năng cho các cục, vụ còn một số điểm chưa phù hợp…

TS. Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng, việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Đổi mới cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp” là rất cần thiết. Ảnh: TH

Đề tài “Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp” do TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CLKHTT) làm Chủ nhiệm, cho rằng về cơ bản, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ dần được kiện toàn, củng cố theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị vừa được phân chia theo chức năng đảm nhận, vừa được phân chia theo đối tượng, địa bàn phụ trách, đảm bảo bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Thanh tra Chính phủ được giao.

Hệ thống các quy định, quy chế cho các cục, vụ, đơn vị cũng được hoàn thiện về cơ bản, giúp các đơn vị hoạt động và phối hợp với nhau ngày càng nề nếp và ổn định.

Tuy nhiên, theo bà Nga, việc phân chia chức năng hiện nay cho các cục, vụ còn một số điểm chưa theo đúng nguyên tắc tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước và quy định chung của Chính phủ; việc phân chia chức năng cho các cục, vụ còn một số điểm chưa phù hợp…

Đơn cử: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cục: I, II, III và các vụ: I, II, III là tương tự nhau nhưng lại được tổ chức thành hai hình thức khác nhau là cục và vụ. Đồng thời, việc phân chia chức năng cho các cục, vụ còn một số điểm chưa theo đúng nguyên tắc tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước và quy định chung của Chính phủ.

Việc phân chia chức năng cho các cục, vụ còn một số điểm chưa phù hợp, chưa thực sự đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả các chức năng được giao. Ngoài ra, thiết kế cơ cấu tổ chức còn một số chồng chéo, trùng lắp, bỏ trống trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị với nhau, sự phối hợp giữa các đơn vị còn thiếu nhịp nhàng.

Chính vì vậy, xuất phát từ những yêu cầu mới, những hạn chế đặt ra, việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Đổi mới cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp” là rất cần thiết với mục tiêu là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, Đề tài dự kiến triển khai 3 nội dung: (1) Một số vấn đề chung về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; (2) Thực trạng cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; (3) Giải pháp, kiến nghị đổi mới cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Tại hội thảo phê duyệt thuyết minh đề tài ngày 11/11, ông Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Đề tài về cơ bản đảm bảo được các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung nội dung về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra. Đề tài sẽ có triển vọng áp dụng cao hơn nếu điều chỉnh kế hoạch nghiên cứu phù hợp với lộ trình sửa đổi Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

TS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện CLKHTT gợi ý, đề tài cần bổ sung luận giải yêu cầu thực tế hiện nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đặt ra yêu cầu đòi hỏi các cơ quan trong hệ thống chính trị phải tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm bớt cấp trung gian, thu gọn đầu mối.

“Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để nghiên cứu, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”, TS. Thủy nói

Mặt khác, đề tài cần bổ sung luận giải về cơ sở thực tiễn, hoàn thiện tổ chức bộ máy để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phù hợp với Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tố cáo năm 2018 và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với định hướng kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra, trong đó kiện toàn cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ phù hợp với với việc thực hiện chức năng giảm sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quản lý thống nhất về tổ chức, hoạt động trong toàn ngành Thanh tra; bổ sung phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết hệ thống. Đây là những phương pháp nghiên cứu cần thiết đối với tất cả các ngành khoa học và cách tiếp cận trong việc thực hiện đề tài.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Kim lưu ý, việc xác định mục tiêu đầu ra của đề tài là lâu dài hay trước mắt để khoanh lại phạm vi nghiên cứu phù hợp. Mục tiêu nghiên cứu nên bám sát, đồng bộ với lộ trình sửa đổi Nghị định số 50/2018/NĐ-CP; lực lượng nghiên cứu của đề tài cần bổ sung thêm thành viên biên soạn Nghị định số 50/2018/NĐ-CP để có thông tin sát thực.

Ông Kim khẳng định, đây là đề tài có tính ứng dụng vì vậy cần tập trung vào thực tiễn; xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động đặc thù của Thanh tra Chính phủ để có cơ sở đề xuất cơ cấu tổ chức; bổ sung các chức năng, nhiệm vụ mới được giao của Thanh tra Chính phủ.

Đối với phần thực trạng, đề tài cần nghiên cứu từ thời điểm Pháp lệnh năm 1990 đến nay; các giải pháp đưa ra nên định hình rõ định hướng và yêu cầu của ngành.

Kết thúc buổi họp, trên cơ sở dự kiến các nội dung nghiên cứu và sự thống nhất với Chủ nhiệm Đề tài, Hội đồng Phê duyệt nhất trí phê duyệt thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm