Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phân biệt thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành

Thứ bảy, 14/04/2018 - 09:24

(Thanh tra) - Ngày 13/4, Viện Khoa học Thanh tra (KHTT) tổ chức tọa đàm sinh hoạt khoa học với chủ đề "Phân biệt thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành". Viện trưởng Viện KHTT Đinh Văn Minh chủ trì.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

Dựa vào hoạt động đối tượng, phương thức tiến hành, thời gian thời hạn 

Nội dung buổi tọa đàm chính là làm rõ bản chất của hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành, vai trò hoạt động của thanh tra và kiểm tra chuyên ngành trong quản lý Nhà nước. Phân biệt thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức, hình thức thực hiện, mục đích; những vấn đề đặt ra từ thực tế hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Đinh Văn Minh thông tin, trong thời gian gian gần đây chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Trong câu chuyện đó, cần phải tạo hành lang pháp lý để phát triển mọi mặt,  mặt khác xóa bỏ vật cản để các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đến nay có một vấn đề mà các doanh nghiệp "kêu" nhiều đó là vấn đề thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp nên cần xem xét lại các cơ chế thanh tra, kiểm tra. Trong đó có vấn đến thanh chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.

Về phạm trù khái niệm thanh tra chuyên ngành, ông Minh cho biết: Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

Kiểm tra chuyên ngành là một hoạt động rất khó hiểu, đặc biệt là trong vấn đề hải quan, thuế, y tế, nông nghiệp, xây dựng, kiểm tra dược.... Khi nào kiểm tra, khi nào thanh tra là câu chuyện cần bàn.

Theo đại diện thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, ngành Xây dựng được quy định là hoạt động thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra và được phân biệt thành 2 lĩnh vực là thanh tra xây dựng và kiểm tra trật tự xây dựng. Trong thanh tra chuyên ngành thì chức năng chủ yếu là thanh tra xây dựng chứ không có chức năng quản lý trật tự xây dựng. 

Theo đại biểu, để phân biệt được đâu là thanh tra xây dựng cần dựa vào hoạt động đối tượng thanh, kiểm tra; phương thức tiến hành, thời gian theo quy định của Luật Thanh tra; thời hạn thanh tra.... Qua đó chúng ta mới phân biệt được vai trò thanh tra chuyên ngành và kiểm tra kiểm tra.

Đồng ý kiến, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng cho rằng, để phân biệt như thế nào là thanh tra chuyên ngành, thế nào là kiểm tra chuyên ngành cũng là một vấn đề hết sức phức tạp. Lấy dẫn chứng, vị này đưa ra việc kiểm tra hoạt động nhà ăn thì 1 năm không thể mới thanh tra một lần mà việc này cần kiểm tra thường xuyên, nên bản chất rất khó phân biệt được đâu là kiểm tra, đâu là thanh tra dù Cục An toàn thực phẩm là một đơn vị hoạt động được quy định là thanh tra chuyên ngành. Do đó, cái cốt lõi là dùng mục tiêu của mỗi hoạt động để phân biệt.

Khó phân biệt đâu là thanh tra chuyên ngành, đâu là kiểm tra chuyên ngành

Đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết, ngành Hải quan có 2 lĩnh vực là thanh tra chuyên ngành và kiểm tra nội bộ. Thanh tra chuyên ngành của hải quan là lập kế hoạch thanh tra doanh nghiệp khi phát hiện ra vi phạm về giá, về thuế... Kiểm tra nội bộ là cấp trên kiểm tra cấp dưới, tổng cục kiểm tra cục, cục kiểm tra chi cục. Do đó, vậy việc phân biệt giữa bản chất của hoạt động thanh tra và kiểm tra chuyên ngành được thực hiện ngoài các công chức thanh tra, còn được thực hiện với các công chức ngành.

Tương tự, tại Tổng cục Thuế, phân định rõ thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành và cũng được chia thành thanh tra tổng cục, thanh tra cục. Đồng thời, thực hiện thanh tra theo kế hoạch và  đột xuất. Riêng kiểm tra thì có phần mềm quản lý rủi ro, nếu phần rủi ro lớn thì lập kế hoạch thanh tra và phần rủi ro ít hơn thì xây dựng kế hoạch kiểm tra. 

Theo Phó Viện trưởng Viện KHTT Nguyễn Tuấn Khanh, Luật Thanh tra có nhiều quy định, nhưng không có cơ sở pháp lý phân chia thanh tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. 

Ông Khanh cũng nhận định: Thanh, kiểm tra không chỉ dừng lại ở mặt biên bản và còn phải xử lý vi phạm 

Mặt khác, thanh tra chuyên ngành được công chức thanh tra tiến hành độc lập nhưng không thực hiện xử lý vi phạm được dù luật cho phép. Dẫn chứng cho điều này, ông Khanh đưa ra việc công chức thanh tra thủy lợi không có thẻ thanh tra chuyên ngành để có thể xử phạt khi phát hiện vi phạm.

Còn đại diện quản lý thị trường cho rằng, lý luận thanh, kiểm tra ngành chồng chéo từ đối tượng, chủ thể đi thanh tra, kiểm tra nên rất khó để phân biệt. Thực tế cho thấy, từ kiểm lâm đến kiểm ngư cũng không phân biệt được thanh tra chuyên ngành là gì vì không khác với kiểm tra chuyên ngành.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị này là thuộc thanh tra chuyên ngành. Song trên thực tế, gần như các hoạt động đều mang bản chất kiểm tra nhiều hơn, ví dụ như việc kiểm tra tôm bơm hóa chất, kiểm tra an toàn thực phẩm... Mỗi lần kiểm tra như vậy không thể thực hiện theo đúng quy trình, định theo luật là xây dựng kế hoạch thanh tra, duyệt, công bố quyết định thanh tra... và thời hạn cũng không theo đúng quy định....

Bảo Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm