Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều ý kiến góp ý 2 dự thảo nghị định của Luật Thanh tra

Nhật Huyền

Thứ sáu, 24/03/2023 - 21:46

(Thanh tra) - Ngày 24/3, tại TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo “Tổ chức và hoạt động thanh tra theo yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022”. Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì hội thảo.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH

Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam; lãnh đạo thanh tra các tỉnh, thành phố và thanh tra các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An.

Hội thảo đươc tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến để các dự thảo nghị định khi trình Chính phủ ban hành sẽ đảm bảo chặt chẽ, có chất lượng và phù hợp với thực tiễn.

Góp ý tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo nghị định nên bổ sung đơn vị cấp sở được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; cần có quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của thanh tra cấp sở trong giai đoạn chuyển tiếp khi nghị định có hiệu lực; quy định về sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra sau khi được ban hành…

Hội thảo tổ chức và hoạt động thanh tra theo yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022. Ảnh: NH

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nêu lên một số khó khăn trong thực tiễn khi thực hiện phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra vì liên quan đến bí mật thông tin của khách hàng tại các ngân hàng. Đồng thời, đề nghị cần có quy định đảm bảo vừa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa có hướng dẫn thực hiện cụ thể…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, cần bổ sung đơn vị thanh tra cấp sở phù hợp với thực tiễn hiện nay để thuận lợi hơn trong việc triển khai hoạt động, tránh xáo trộn quá nhiều về bộ máy khi Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành có hiệu lực thi hành.

Cần có quy định cụ thể về quyền xử phạt vi phạm hành chính của chánh thanh tra cấp tỉnh khi thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và phát hiện hành vi vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, cần bổ sung đơn vị thanh tra cấp sở để thuận lợi hơn trong việc triển khai hoạt động, tránh xáo trộn quá nhiều về bộ máy. Ảnh: NH

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Thanh tra, theo đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát một số nội dung được giao tại Luật Thanh tra nhưng chưa được dự thảo nghị định quy định chi tiết, đó là việc trông giữ và bảo quản tài sản bị tạm giữ qua hoạt động thanh tra và vấn đề thanh tra nội bộ.

Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, Điều 87 Luật Thanh tra giao các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành hoạt động giám định. Trong khi dự thảo nghị định chỉ giới hạn cho phép các bộ, sở, cơ quan chuyên môn (tức là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước) được tiến hành giám định.

“Cần giải trình, làm rõ nội dung vì sao không cho phép các tổ chức ngoài các cơ quan hành chính Nhà nước được tiến hành hoạt động giám định”, đại diện Bộ Tư pháp nói.

Liên quan đến vấn thu hồi tài sản, khoản 1 Điều 46 của Dự thảo Nghị định xác định việc thu hồi sẽ diễn ra khi có căn cứ rõ ràng về hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức và khi đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động nộp lại tài sản.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, nên xem xét lại nội dung này vì theo quy định tại Điều 91 Luật Thanh tra thì không có nội dung “đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động nộp lại tài sản.”

Đại biểu góp ý các dự thảo nghị định của Luật Thanh tra. Ảnh: NH

Trong trường hợp chứng minh căn cứ thu hồi là rõ ràng nhưng đối tượng thanh tra không thừa nhận, không nộp lại tài sản thì sẽ không tiến hành thu hồi được tài sản. Điều kiện này cũng không phù hợp với Điều 91 của Luật Thanh tra.

Đối với việc quản lý tài sản là các loại giấy tờ có giá, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần làm rõ cơ sở pháp lý, căn cứ để giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cũng như làm rõ cơ quan có thẩm quyền là những cơ quan nào…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu góp ý liên quan đến hoạt động thanh tra lại; mô hình tổ chức thanh tra chuyên ngành; kinh phí giám định trong hoạt động thanh tra; niêm phong tài sản; cơ cấu đoàn thanh tra và các điều khoản chuyển tiếp…

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, qua hội thảo này, Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến đóng góp đối với các dự thảo nghị định, trong đó những ý kiến góp ý có chất lượng, sát với thực tiễn sẽ được xem xét đưa vào dự thảo nghị định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm