Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 25/03/2016 - 11:11
(Thanh tra) - Đó là số liệu được đưa ta tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24/3. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chủ trì hội thảo.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Long
Báo cáo tại hội thảo, đại điện đơn vị tư vấn cho biết, cuộc khảo sát lần này tiến hành thu thập thông tin định lượng từ 1.098 cán bộ, công chức, cán bộ doanh nghiệp và người dân qua hình thức phỏng vấn trực tiếp hoặc qua gửi thư, đồng thời thu thập các thông tin định tính qua phỏng vấn sâu 12 cán bộ, công chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp và tổ chức 7 buổi thảo luận nhóm với sự tham gia của các bộ, ngành.
Qua khảo sát cho thấy, định nghĩa tham nhũng hiện nay có 2 nhược điểm. Một là, chủ thể thực hiện hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi” không chỉ là người Nhà nước. Hai là, việc chứng minh động cơ “vụ lợi” là không dễ dàng. Mức độ nào là tham nhũng cũng chưa rõ ràng. Ví dụ, nhận 20, 50 nghìn thì có phải là tham nhũng không?
Theo kết quả khảo sát, tham nhũng ngày càng được nhiều người đánh giá là phổ biến. Năm 2005, chỉ có 34% số người đánh giá hành vi đưa hoặc nhận hối lộ là phổ biến hoặc rất phổ biến. Đến năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên trên 50%.
Nhiều người dân vẫn phải trả chi phí ngoài quy định. Dẫn chứng, đơn vị tư vấn cho biết, 69% người được khảo sát khẳng định phải trả phí “bôi trơn” khi bị xử phạt hành chính vì vi phạm pháp luật tại lĩnh vực vi phạm giao thông, xây dựng trái phép… Trên 44% người dân khẳng định đến bệnh viện của Nhà nước phải trả phí ngoài quy định.
Trên 80% người được khảo sát đều nhận định về tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Người dân cũng “bình chọn” tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra là to lớn.
69% người được khảo sát khẳng định phải trả phí “bôi trơn” khi bị xử phạt hành chính vì vi phạm pháp luật tại lĩnh vực vi phạm giao thông, xây dựng trái phép… là thông tin được công bố tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Long
Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ Nhà nước đánh giá việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng nghiêm túc không cao, nhất là các biện pháp liên quan đến cá nhân. Qua thống kê, chưa tới 35% người được khảo sát có nhận định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả. Nguyên nhân chính là còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong thực hiện, các giải pháp chưa phù hợp, thiếu cụ thể, thiếu biện pháp phát hiện và xử lý vi phạm có hiệu quả.
Qua dữ liệu tổng hợp, trên 80% cán bộ, công chức đánh giá phương thức phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác điều tra, kiểm sát, thanh tra, kiểm toán từ tương đối hiệu quả trở lên. Tuy nhiên, chỉ có 10,8% người dân đánh giá mức độ thu hồi tài sản tham nhũng đạt mức trung bình hoặc cao. Nguyên nhân chính việc thu hồi tài sản chưa cao là thiếu các biện pháp đặc biệt nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản và hạn chế tẩu tán, che giấu tài sản, thiếu các biện pháp kiểm soát biến động tài sản, thu nhập và chưa có biện pháp xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được.
Đa số cán bộ, công chức đều cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN. Theo đó, hệ thống bộ máy tổ chức PCTN phù hợp nhưng cần có giải pháp nâng cao vị trí, vai trò chủ trì của cơ quan, đơn vị chuyên trách.
Điều đáng chú ý là, tỷ lệ tham gia của người dân vào các hoạt động nâng cao kiến thức, nhận thức về PCTN trong năm qua cao hơn hẳn cán bộ quản lý doanh nghiệp và tăng đáng kể so với 10 năm trước.
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thực hiện Luật PCTN cần được đơn vị tư vấn đánh giá sâu hơn về việc thực hiện các chế định như công khai minh bạch, cải cách hành chính… để đưa ra nhận định những điểm tốt, chưa tốt khi thực hiện Luật. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đưa ra kiến nghị cụ thể hơn góp phần sửa đổi, bổ sung Luật PCTN có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trên phạm vi toàn quốc đang được tiến hành khẩn trương và dự kiến sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc vào cuối tháng 4/2016. Theo kế hoạch tổng kết chung, Ban Chỉ đạo tổng kết giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành “khảo sát thực tiễn nhằm đánh giá, thu thập bằng chứng thực tiễn về thi hành Luật PCTN tại một số bộ, ngành địa phương”.
Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh, việc tiến hành khảo sát thực tiễn và rà soát pháp luật có ý nghĩa quan trọng giúp phản ánh một góc nhìn khác từ phía người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các chuyên gia về thực trạng tham nhũng và tiến triển công tác PCTN trong 10 năm qua. Những thông tin thu được từ hoạt động khảo sát, nghiên cứu sẽ đóng góp trực tiếp vào kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trong thời gian tới, qua đó giúp việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN được sát hơn trước những yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Dự thảo Báo cáo cho thấy những phát hiện về tình trạng tham nhũng, diễn biến về tình trạng tham nhũng, hiệu quả của các biện pháp PCTN và các giải pháp PCTN được đề xuất dựa trên cảm nhận và trải nghiệm của các đối tượng khảo sát.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Thanh tra Chính phủ sẽ hoàn thiện báo cáo khảo sát và các báo cáo nghiên cứu để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết thực hiện Luật PCTN toàn quốc.
Hoàng Long
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2025, Sở Tài chính Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và mua sắm, quản lý tài sản công.
Hải Hà
(Thanh tra) - Trong năm 2025, UBND thành phố Hà Nội giao Thanh tra thành phố tiến hành kiểm tra trách nhiệm giám đốc các sở, ngành, quận, huyện trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
Hải Hà
Nam Dũng
Hương Trà
Thu Huyền
Nhật Minh
Hải Hà
Hương Giang
Văn Thanh
Bùi Bình
Lê Phương
Trần Quý
T.Lương
Trọng Tài