Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 20/12/2019 - 06:35
(Thanh tra)- Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 38 về thí điểm việc thực hiện thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP). Từ năm 2016, TP Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Đến nay, Hà Nội nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố và bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác ATTP của chính quyền địa phương.
Chi cục QLTT Hà Nội Kiểm tra ATTP tại Hà Nội. Ảnh: Internet
Nhiều chuyển biến tích cực
Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 3/1/2019 của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP); có 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã ban hành và triển khai kế hoạch thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tới các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên toàn thành phố, Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành và bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra để đảm bảo đúng quy định nhân lực về công chức, viên chức được giao nhiệm. Đồng thời phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) triển khai nhiều lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho khoảng 4.000 công chức, viên chức, Phó Chủ tịch/Chủ tịch xã/phường thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Hà Nội phối hợp với các cơ quan hữu quan đào tạo và cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm để phân tích, xét nghiệm cho 1.000 cán bộ.
Đến nay 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ công chức, viên chức đảm bảo điều kiện theo quy định tại Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội: Thuận lợi và thách thức” được tổ chức mới đây, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP Hà Nội Nguyễn Ánh Nguyệt cho biết, sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội đã thu được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, nhận thức từ các cấp quản lý đến cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đều được cải thiện.
“Nhờ sự xuất hiện của những đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, theo đúng quy trình, kết quả thanh, kiểm tra tăng lên so với thời điểm trước khi triển khai. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng tăng lên rõ rệt. Điều này khẳng định mô hình thanh tra chuyên ngành về ATTP đã giúp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Ánh Nguyệt nhấn mạnh.
Là một trong những địa bàn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP từ năm 2016, quận Nam Từ Liêm đã thành lập ba đoàn để thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, trong lần thí điểm đầu tiên, những chuyển động trong hoạt động thanh tra ATTP tại quận đạt được những kết quả khá rõ nét. Trong đó, hoạt động thanh tra đã giảm quá tải cho các hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trước đây. Đặc biệt, sau thanh tra, ý thức chấp hành ATTP, cũng như việc khắc phục lỗi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có những chuyển biến tích cực. Số cơ sở bị phạt tiền tăng gấp năm đến bảy lần so với lực lượng kiểm tra liên ngành trước kia. Điều đó đã khẳng định mô hình thanh tra chuyên ngành về ATTP tuyến cơ sở đã giúp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Tại huyện Thanh Trì, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, năm 2019 huyện Thanh Trì đã bắt đầu triển khai Thanh Tra vệ sinh ATTP, nhờ có kinh nghiệm của các đơn vị thanh tra đợt đầu nên có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Theo bà Hà, ở trên địa bàn huyện có triển khai ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn triển khai tốt hơn. Hàng tháng có thống kê xem đơn vị nào làm tốt hay không tốt, đan xen vào đó là công tác tuyên truyền tích cực. Ban khoa giáo của huyện cũng tham gia vào công tác tuyên truyền nhằm hạn chế việc nhân sự mỏng về công tác nhân sự. Huyện Thanh Trì hiện có 3 xã vùng bãi có sản lượng rau tương đối lớn, khi đi kiểm tra nhanh về tinh bột, các hóc môn... cũng rất là khó vì thiếu thiết bị chuyên dùng. Còn kiểm tra nhanh về công thương, kinh tế thì vẫn đảm bảo.
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. Ảnh: PV
Vẫn còn tâm lý e ngại khi xử phạt
Mặc dù đạt được nhiều kết quả ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá, công tác thanh tra chuyên ngành ATTP của Hà Nội hiện gặp một số khó khăn như một cán bộ phải chịu trách nhiệm nhiều công việc nên việc triển khai công tác thanh tra còn bị ảnh hưởng; tâm lý e ngại xử phạt còn tồn tại, còn chưa mạnh dạn xử phạt xử lý… Tại các đơn vị, trong quá trình thanh tra ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở môi trường nông thôn có nhiều khó khăn. Như tại quận Nam Từ Liêm, mặc dù 100% các cơ sở bị quận ra quyết định xử phạt đều đã nộp phạt. Nhưng ở tuyến phường tỷ lệ chấp hành chỉ đạt 80%, khó khăn về tình làng nghĩa xóm, thông báo thanh tra thì chủ cửa hàng đóng cửa không gặp, còn thanh tra đột xuất chủ cơ sở cũng không có mặt ở nhà, phải chờ đợi mất thời gian… Một khó khăn khác là trong quá trình thanh kiểm tra vệ sinh ATTP là khi nhận được thông báo thanh kiểm tra, cơ sở đã có sự chuẩn bị nên không khách quan; Ngoài ra có cơ sở vi phạm nhưng chây ì không chịu nộp phạt khiến cơ quan chức năng phải sử dụng biện pháp cưỡng chế gây tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức...
Hay như tại quận Tây Hồ, đại diện Phòng Y tế quận cho biết, quận không thiếu hụt về nhân lực, nhưng quận mong muốn có thêm nhiều đợt đào tạo, bổ sung kiến thức, tập huấn cho các cán bộ trong những khoảng thời gian hợp lý, bổ sung thiết bị chuyên dùng để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao.
Để triển khai tốt chương trình thanh tra, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP Hà Nội cho biết, thời gian tới, từ TP tới các cấp quận, huyện, thị xã sẽ có nhiều biện pháp tăng cường. Trong năm 2020, Chi cục Vệ sinh ATTP TP Hà Nội dự kiến triển khai lớp tập huấn sâu hơn với 30 quận, huyện, cũng như tổ chức các cuộc giao ban sâu xuống tới các cấp để chia sẻ kinh nghiệm, giám sát áp dụng biện pháp đẩy nhanh tiến độ thanh tra. Tinh thần là trong các đợt thanh tra, quận, huyện cũng lập tổ giám sát, tiến hành giao ban xuống tận xã phường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai cụ thể hơn để các đối tượng nắm bắt sâu hơn trách nhiệm và phối hợp phát hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP cho biết, tuy Hà Nội có nhiều thuận lợi về kinh nghiệm trong triển khai thí điểm, song khi triển khai trên toàn thành phố vẫn gặp khó khăn. Phần lớn các quận, huyện và xã, phường là lần đầu thí điểm thanh tra, nên còn thiếu kinh nghiệm.
Để thực hiện có hiệu quả công tác ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Tổ công tác liên ngành giám sát hướng dẫn, giám sát việc tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành cũng như xử lý vi phạm. Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND TP, Tổ công tác phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị được phân công. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để đưa tin kịp thời thường xuyên về ý nghĩa, và các hoạt động của thí điểm thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã phải luôn theo dõi, đôn đốc để kịp thời phát hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc của tuyến xã, phường, thị trấn.
PV
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 2984/QĐ-UBND ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2025.
Lâm Ánh
19:36 12/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, Thanh tra tỉnh Phú Yên tiến hành triển khai 13 cuộc thanh tra; trong đó, triển khai trong kỳ 8 cuộc, kỳ trước chuyển sang 5 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 10.528,038 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính 48 tổ chức, 65 cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Lâm Ánh
19:25 12/12/2024Thái Hải
19:15 12/12/2024Thái Hải
18:25 12/12/2024Cảnh Nhật
13:23 12/12/2024Cảnh Nhật
09:00 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC