Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 25/10/2022 - 16:22
(Thanh tra) - Theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, để xử lý chồng chéo, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định rõ “mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm do bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành”.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong giải trình ở Quốc hội về một số nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 25/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Nêu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ quan tâm đến việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
“Đã có thực trạng tại một địa phương trong 9 tháng đầu năm đã tiếp và làm việc với khoảng 29 đoàn thanh tra. Điều đó ít nhiều làm hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng, bởi bình quân 1 cuộc thanh tra có thời gian từ 10 đến 30 ngày”, bà Phúc nói.
Từ đó, nữ đại biểu nhấn mạnh yêu cầu dự luật sửa đổi lần này phải giải quyết được những bất cập để tránh chồng chéo, vừa phát huy cao nhất hiệu quả kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước nhưng không làm lãng phí nguồn lực, thời gian, vừa phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Để xử lý chồng chéo, trùng lắp, Điều 53, dự thảo luật quy định, “khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện”.
Bày tỏ quan điểm tán thành, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn khi “chưa quy định cơ quan nào chủ trì, phối hợp để xử lý chồng chéo”
“Nếu 2 cơ quan không thống nhất thì xử lý theo nguyên tắc nào và cơ quan tổ chức, cá nhân nào xem xét quyết định”, ông Mạnh nêu.
Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cũng thấy nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra “khá đầy đủ”, nhưng chưa có quy định về xử lý chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. “Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) lưu ý, dự thảo luật quy định theo hướng liệt kê thì “chưa khoa học lắm, khó bao quát hết tất cả các vấn đề chồng chéo trong thanh tra”.
Từ đó, ông đề nghị nên quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra hành chính với nhau thành một nội dung. Nội dung nữa là quy định xử lý chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành với nhau.
“Như thế sẽ bao quát hết được, rất rõ ràng, rành mạch và dễ thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh và ví dụ xử lý chồng chéo về thanh tra hành chính thì chủ yếu xử lý chồng chéo giữa thanh tra các cấp như Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện là chính. Còn xử lý chồng chéo thanh tra ngành chủ yếu là thanh tra bộ và thanh tra sở.
Nhất trí với kiến nghị này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) nói nên chăng quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm với bộ, ngành, địa phương.
“Thực tế thời gian qua cho thấy một số địa phương đã quy định là không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành với các doanh nghiệp trên địa bàn được doanh nghiệp đánh giá cao”, nữ đại biểu cho hay.
Giải trình vấn đề này, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định cụ thể xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
“Dự thảo luật quy định rõ mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm do bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra này xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Tổng Thanh tra nói.
Tổng Thanh tra cho hay, quy định của dự thảo luật có “sự khác biệt” với luật hiện hành để tránh chồng chéo. Ông ví dụ, hiện thanh tra tỉnh và thanh tra sở có kế hoạch khác nhau nên chưa thống nhất được. Nhưng dự thảo quy định Chủ tịch UBND tỉnh ký kế hoạch thanh tra của tỉnh thì sẽ tránh được chồng chéo.
Vẫn theo ông Đoàn Hồng Phong, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất để tránh chồng chéo giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.
"Có phát sinh chồng chéo theo phản ánh của các địa phương và các bộ, ngành thì Tổng Thanh tra và Tổng Kiểm toán sẽ ngồi lại để thống nhất theo các quy định”, ông Đoàn Hồng Phong báo cáo trước Quốc hội.
Sẽ hài hòa chế độ giữa ngành Thanh tra với ngành khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương
Một vấn đề nữa, tại phiên thảo luận nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra.
Điều 111 dự thảo luật quy định “các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, đây không phải là nguồn kinh phí thường xuyên, cơ bản, chỉ mang tính chất hỗ trợ, động viên, nên đưa vào kinh phí hoạt động là chưa phù hợp.
Ông Lềnh đề nghị sửa thành “kinh phí được trích từ các khoản thu hồi do phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này”.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra cho hay, cơ quan thanh tra là một trong những cơ quan trong khối nội chính, có chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù, nhất là trong mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất gian nan, phức tạp và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của người dân.
Luật Thanh tra hiện hành và thực tế những năm qua, Chính phủ đã quy định tỷ lệ trích một phần số tiền phát hiện sau thanh tra cho cơ quan thanh tra để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
Mặt khác, theo Tổng Thanh tra, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, cơ quan tài chính các cấp khi phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm cho các cơ quan thanh tra đều đưa dự kiến số tiền trích này vào dự toán thu, chi để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Ông nhấn mạnh, trên cơ sở quy định của luật, Chính phủ sẽ quy định cụ thể đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, cân đối hài hòa về chế độ, chính sách giữa ngành thanh tra với ngành khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương.
“Dù tỷ lệ trích như vậy nhưng không phải các cơ quan được chủ động chi tiêu mà phải kiểm soát qua cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước. Nếu dự tính số phát hiện qua thanh tra thấp hơn so với xác định dự toán đầu năm thì phải điều chỉnh số chi”, Tổng Thanh tra nói thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.
Lâm Ánh
15:43 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng ngày 22/11, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Phương Hiếu
16:23 21/11/2024Trung Hà
14:02 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân