Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khẩn trương lập danh sách các vụ việc liên quan đến KN hành chính

Thứ năm, 04/07/2013 - 07:26

(Thanh tra)- Đó là yêu cầu của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh tại buổi làm việc với các cục, vụ đơn vị về một số nội dung điều kiện chuyển các vụ việc khiếu nại (KN), tố cáo (TC) hành chính sang tòa án hành chính.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Thái Hải

Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh: Cần tập hợp danh sách các vụ KN ở cấp hành chính rồi chuyển sang tòa hành chính giải quyết thông qua Kế hoạch 1130, điều kiện để chuyển các vụ giải quyết hành chính sang tòa hành chính.

Thực tiễn quá trình giải quyết KN và hướng dẫn người dân thực hiện việc khiếu kiện ra tòa án đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính vẫn có nhiều cách hiểu, thực hiện khác nhau giữa cơ quan hành chính và tòa án. Ví dụ: Đối với các vụ KN đã được giải quyết lần 2, nếu người KN vẫn không đồng ý thì căn cứ vào các quy định tại Điều 29, Điều 30 của Luật Tố tụng Hành chính năm 2012, cơ quan có chức năng tiếp công dân hướng dẫn công dân làm đơn khởi kiện gửi TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, TAND cấp tỉnh lại cho rằng đó là thuộc thẩm quyền TAND cấp huyện. Đối với những vụ việc đã được giải quyết KN lần 2 và quyết định giải quyết KN lần 2 giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu, nếu người KN vẫn không đồng ý thì đối tượng của việc khởi kiện là quyết định giải quyết KN nào và tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vẫn chưa rõ. TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn về các vấn đề trên.

Một vấn đề liên quan nữa là đại diện cơ quan bị KN, thực tiễn giải quyết khiếu kiện tại tòa án cho thấy, rất nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khởi kiện ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của mình tham gia tố tụng. Việc này không trái pháp luật, nhưng người được ủy quyền luôn bị động, lúng túng khi tham gia tố tụng vì quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền bị khởi kiện, nhưng người đại diện theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền không trực tiếp tham gia tố tụng để xử lý hậu quả về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Người được ủy quyền không có thẩm quyền xử lý hậu quả về quyết định hành chính, hành vi hành chính rõ ràng trái pháp luật trước đó.

Tại buổi làm việc, các ý kiến cho rằng, Thanh tra Chính phủ và TAND Tối cao cần thống nhất thẩm quyền của từng vụ việc thuộc cơ quan tòa án và hành chính; thống nhất về cách thức giải quyết; cần có sự trao đổi, cung cấp thông tin và phải có quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan.

Để chuẩn bị tài liệu thông tin đúng nội dung buổi họp với TAND Tối cao theo sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị phải đánh giá tình hình, đề xuất bàn cách giải quyết với các cơ quan chức năng; khẩn trương lập danh sách các vụ việc liên quan đến KN hành chính để gửi tới cơ quan tòa án, chú ý cụ thể hóa các danh sách liên quan tới Kế hoạch 1130; yêu cầu các cục, vụ, đơn vị phản ánh những vướng mắc về thủ tục liên quan đến pháp luật; các cục, đơn vị phải đề xuất biện pháp giải quyết kể cả việc ban hành hình thức văn bản; báo cáo về Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng hợp chậm nhất trước ngày 15/7.

Phó Tổng Thanh tra giao Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng hợp chủ trì với Vụ Pháp chế tổng hợp chuẩn bị báo cáo cho cuộc họp với TAND Tối cao diễn ra trong tháng 8.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm