Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân từ cơ sở

Thứ ba, 20/03/2018 - 11:22

Theo báo cáo kết quả công tác tháng 2-2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), cơ quan này đã ban hành ba kết luận thanh tra; bốn thông báo kết luận thanh tra; tiếp tục xây dựng báo cáo, dự thảo kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra trực tiếp.

Trụ sở Tiếp công dân T.Ư đã tiếp 926 lượt người dân đến trình bày hơn 330 vụ việc, trong đó khiếu nại 221 vụ việc, tố cáo 47 vụ việc, kiến nghị và phản ánh 64 việc. Số lượng đơn thư phải xử lý trong tháng 2 là 2.092 đơn, đã xử lý 1.407 đơn. Theo đánh giá của TTCP, năm 2017, đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) vượt cấp đến Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, TTCP giảm so với năm 2016 cả về số lượt công dân, số lượng đơn thư và số lượt đoàn đông người. Tuy nhiên, tình hình KNTC của công dân vẫn diễn biến phức tạp.

Đầu tháng 3-2018, TTCP cùng Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan đã họp để thống nhất các tiêu chí đánh giá vụ việc KNTC phức tạp làm cơ sở rà soát, lập danh sách báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai các hướng giải quyết dứt điểm.

Để giải quyết KNTC thật sự hiệu quả trong thực tế thì các địa phương, cơ sở có vai trò rất quan trọng. Có thể nói, công tác giải quyết KNTC ở cơ sở thời gian qua có những thành quả nhất định, góp phần khôi phục quyền và lợi ích chính đáng của công dân; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, thực tế, những năm gần đây, ở nhiều nơi, số lượng đơn thư gia tăng, thậm chí có nơi tình hình KNTC diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, đáng chú ý là: Một số địa phương chưa quan tâm sâu sắc, chưa quyết tâm, né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết KNTC của công dân; trình độ và năng lực chuyên môn hạn chế, cho nên chính quyền một số địa phương lúng túng trước các vụ việc, từ đó dẫn đến giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết KNTC ở một số nơi chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người có KNTC ở cơ sở chưa được quan tâm, thậm chí né tránh cho nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư vượt cấp.

Giải quyết hiệu quả KNTC của công dân là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân vào nhà nước pháp quyền, vào đội ngũ cán bộ cơ sở. Vì vậy, cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC và Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18-5-2012, của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Các địa phương, đơn vị cần quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính theo mô hình "một cửa liên thông" giữa cấp xã với cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm việc, giao dịch với chính quyền địa phương. Bảo đảm sự gắn kết giữa công tác tiếp dân với giải quyết KNTC và cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Một trong những nhân tố quan trọng giúp việc giải quyết KNTC được thực hiện tốt là tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn tốt, đạo đức trong sáng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như đội ngũ cán bộ trực tiếp đón tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Có như vậy những KNTC của người dân mới được lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp, xử lý kịp thời.

Song Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm