Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải quyết khiếu kiện của công dân ngay từ cơ sở

Thứ tư, 05/02/2014 - 07:24

(Thanh tra)- Là người có nhiều năm làm công tác thanh tra tại Nghệ An, đơn vị Anh hùng Lao động đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này của ngành Thanh tra, sau khi được điều động, bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra, đồng chí Lê Thị Thủy đã được phân công phụ trách công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) ở 20 tỉnh, TP khu vực phía Nam. Từ giữa năm 2013 đến nay, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy tiếp tục được phân công phụ trách công tác này ở khu vực 18 tỉnh, TP thuộc miền Trung và Tây Nguyên. Nhân dịp đầu Xuân mới, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy đã chia sẻ với PV Báo Thanh tra về sự khác nhau giữa các địa bàn được phân công phụ trách.

Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy chủ trì hội nghị tổng kết công tác giải quyết KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 12/8/2013 tại Quảng Bình. Ảnh: Đắc Xuyên

KN, TC tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai

- Là người mới được Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra phân công phụ trách công tác giải quyết KN, TC và thanh tra tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, xin Phó Tổng Thanh tra cho biết một số nét khác biệt giữa các địa bàn công tác?

+ Gần 3 năm phụ trách công tác giải quyết KN, TC và thanh tra tại khu vực miền Nam, khi được Tổng Thanh tra phân công phụ trách công tác này tại miền Trung - Tây Nguyên, tôi thấy rằng, tuy có khác nhau về đặc điểm vùng, miền, phong tục tập quán, sinh hoạt, đặc biệt là điều kiện kinh tế - xã hội, nhưng nhìn chung nội dung KN, TC giữa miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông - Tây Nam bộ đều tập trung vào lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ và cũng có những vụ việc kéo dài nhiều năm, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm. 

Điểm khác nhau là về số lượng và tính chất vụ việc KN, TC. Miền Trung - Tây Nguyên có số lượng vụ việc ít hơn nhưng tính chất lại phức tạp hơn nhiều so với miền Đông - Tây Nam bộ; có nhiều vụ việc đã được các cấp chính quyền giải quyết nhiều lần, áp dụng đúng các quy định của pháp luật và vận dụng chính sách xã hội để bảo đảm quyền lợi cho công dân, đồng thời các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã vào cuộc, vận động đoàn viên, hội viên của mình chấm dứt khiếu kiện để ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Một số vụ việc có dấu hiệu có sự tác động của các thế lực thù địch, phản động nhằm gây rối, tạo cơ hội chống phá an ninh chính trị nước ta. 

Cũng như các tỉnh thuộc khu vực miền Nam, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về KN, TC với những giải pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nên đến thời điểm hiện nay đã giải quyết cơ bản các vụ việc KN, TC tồn đọng cũng như những vụ việc mới phát sinh thuộc thẩm quyền trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá nước ta.

Nhận diện nguyên nhân KN, TC phức tạp


- Xin Phó Tổng Thanh tra chia sẻ một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình KN, TC phức tạp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên?

+ Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng KN, TC phức tạp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đó là:

Thứ nhất, các quy định của pháp luật về giải quyết KN, TC chưa đồng bộ, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, cùng với các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa sát với thực tế, trong khi cơ chế thị trường có nhiều biến động, đất đai ngày càng có giá trị nên khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, đô thị đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều hộ dân; một số địa phương chưa quan tâm và không thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra; quá trình triển khai thực hiện các dự án còn có những thiếu sót về trình tự, thủ tục, công tác tái định cư, giải quyết các chính sách cho người dân có đất bị thu hồi làm chưa tốt, chưa quan tâm giải quyết thỏa đáng lợi ích của người dân; thậm chí, có những trường hợp cán bộ thừa hành còn cố ý làm trái để vụ lợi, gây phản ứng bức xúc trong nhân dân, đã làm phát sinh nhiều vụ KN, TC phức tạp, đông người.

       
Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện các dự án, công trình sau khi thu hồi đất của dân để giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng tiến độ, không đầu tư theo dự án mà chỉ chờ chuyển nhượng kiếm chênh lệch giá chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, đã gây bức xúc đối với những người dân có đất bị thu hồi.

Thứ ba, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về KN, TC vẫn còn bất cập, trong khi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về KN, TC vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, có những trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành; một số trường hợp bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động KN, TC đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước, nhưng chế tài xử lý chưa đầy đủ.

Thứ tư, việc thực hiện chính sách, pháp luật còn hạn chế, tình trạng một số cán bộ thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái trong thực thi công vụ và trong giải quyết KN, TC của công dân; nhất là có một số vụ việc khi giải quyết thiếu khách quan, chưa đúng quy định, chưa thấu lý, đạt tình.

Thứ năm, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình giải quyết KN, TC chưa chặt chẽ; quan điểm giải quyết và nguyên tắc vận dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền trong tham mưu và quản lý Nhà nước nhiều vụ KN, TC còn có sự khác nhau dẫn đến các cách giải quyết không thống nhất trong một vụ việc, nên công dân không đồng tình, tiếp tục KN, TC kéo dài.Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy phát biểu tại một cuộc công bố quyết định giải quyết đơn KN, TC của công dân ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đắc Xuyên

Những giải pháp hạ nhiệt KN, TC

- Để làm tốt công tác giải quyết KN, TC trong thời gian tới tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, theo Phó Tổng Thanh tra cần phải làm gì?

+ Tình hình KN, TC nói chung và ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đang có những diễn biến khó lường. Để kịp thời nắm bắt và giải quyết khiếu kiện của công dân ngay từ cơ sở, không để trở thành “điểm nóng”, phức tạp thì cả nước nói chung và miền Trung - Tây Nguyên cần quan tâm một số vấn đề sau:

1.Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết KN, TC. 


 Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. KN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức, do đó cần phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết KN, TC với những biện pháp sau: 


Thứ nhất, cấp ủy Đảng lãnh đạo khắc phục những nguyên nhân phát sinh KN, TC, trong đó quan tâm lãnh đạo việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn khi thực hiện các dự theo kế hoạch của địa phương; lãnh đạo chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền tại địa phương, khắc phục những yếu kém, sai phạm, tiêu cực, tham nhũng để hạn chế phát sinh KN.

Thứ hai, các cấp uỷ Đảng phải nắm chắc tình hình KN trên địa bàn mình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và khi phát sinh KN cần huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để tập trung giải quyết. Thường vụ cấp ủy, trước hết là các đồng chí Bí thư phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KN. Tất cả các cấp ủy, nhất là cấp ủy ở những nơi đang có khiếu kiện phức tạp, đông người, có đồng bào dân tộc phải phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân để có các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để tạo thành “điểm nóng”, gây mất ổn định, để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá nước ta.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết KN của các tổ chức đảng và đảng viên, coi kết quả của công tác giải quyết KN thuộc thẩm quyền là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hoạt động và xếp loại thi đua của mỗi cấp uỷ đơn vị và mỗi cán bộ đảng viên. 

Thứ tư, các cấp ủy Đảng cần quan tâm bố trí cán bộ là đảng viên ưu tú, có phẩm chất chính trị vững vàng, tận tụy và chuyên môn phù hợp để làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN. Đồng thời cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong công tác giải quyết KN.

2. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác giải quyết KN, TC.


Người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền.

 
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước với việc giải quyết KN, TC. KN, TC phát sinh trong phạm vi, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành, địa phương nào thì người đứng đầu bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm giải quyết và công khai kết quả giải quyết đó. Đồng thời, coi kết quả và chất lượng giải quyết KN hành chính trong lĩnh vực quản lý là một tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của thủ trưởng cơ quan hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm quy định của pháp luật về KN, TC. Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước phải bố trí thời gian để tiếp dân định kỳ; thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại với công dân KN trước khi ra quyết định giải quyết.

Đối với những địa phương phát sinh vụ việc đông người thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng, bố trí cán bộ đủ số lượng, có trình độ năng lực để tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Khi đã có quyết định giải quyết KN, TC phải chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời để hạn chế đơn thư KN, TC do không thực hiện quyết định giải quyết KN, xử lý TC.

Tăng cường thanh tra công vụ và thanh tra trách nhiệm giải quyết KN đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước cấp dưới và đội ngũ cán bộ, công chức, tập trung vào những nơi xảy ra nhiều vụ việc KN, chất lượng, hiệu quả giải quyết KN thấp, tiếp khiếu nhiều.

3. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Cấp ủy, chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để vận động, thuyết phục được hội viên, đoàn viên của tổ chức mình chấp hành các quyết định của pháp luật và thực hiện các quy định giải quyết KN, TC của các cấp có thẩm quyền, không tập trung thành đám đông đi khiếu kiện để cho các thế lực thù địch lợi dụng.


4. Các cơ quan trong Khối Nội chính, đặc biệt là công an mà trực tiếp là lực lượng an ninh nông thôn phải nắm bắt kịp thời tình hình ở địa bàn mình và có các giải pháp để xử lý, không để xảy ra khiếu kiện đông người. Khi có khiếu kiện đông người trên địa bàn, cần có biện pháp phân hóa các đối tượng, tìm ra kẻ cầm đầu, chủ mưu, xúi giục dân khiếu kiện và xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật.


5. Tăng cường công tác  tuyên truyền pháp luật nói chung, pháp luật về KN, TC nói riêng và tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở.


Tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về KN, TC, nhất là về quyền và nghĩa vụ của mình trong KN, TC. Đặc biệt quan tâm hướng dẫn cho công dân ngoài việc KN tại cơ quan hành chính, thì khởi kiện ra Tòa án Hành chính để thực hiện quyền KN của mình.


Tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quyết định giải quyết KN của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về KN, TC và biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giải quyết KN, TC.


Thực hiện tốt công tác hòa giải để chấm dứt vụ việc ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để tạo thành khiếu kiện đồng người, vượt cấp, kéo lên cấp trên và nhất là ra Trung ương khi có các sự kiện quan trọng của đất nước như họp Quốc hội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương…


6. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết KN, TC, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và có chế độ, chính sách thỏa đáng để bộ phận này làm tốt nhiệm vụ được giao.


7. Do điều kiện kinh tế của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nên cần quan tâm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, góp phần hạn chế phát sinh đơn thư khiếu kiện.


Đắc Xuyên (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm