Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Thanh tra

Thứ sáu, 18/05/2018 - 14:30

(Thanh tra) - Ngày 18/5, Viện Khoa học Thanh tra tổ chức tọa đàm sinh hoạt khoa học với chủ đề "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Thanh tra đáp ứng yêu cầu xây dựng viện nghiên cứu chiến lược trong thời gian tới".

Toàn cảnh buổi tọa đàm sinh hoạt khoa học. Ảnh: TH

Cần thành lập phòng nghiên cứu chiến lược

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (KHTT), TS Nguyễn Tuấn Khanh thông tin, ngày 9/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, trong đó có nội dung đổi mới về tổ chức và hoạt động của Viện KHTT thành tên gọi là Viện Chiến lược và KHTT.  

Phó Viện trưởng mong muốn các đại biểu tập trung góp ý vào các yêu cầu chức năng, nhiệm vụ khi được tổ chức và hoạt động theo mô hình Viện Chiến lược của bộ, ngành. Đồng thời xác định rõ nội dung chiến lược trong vị trí, chức năng, quyền hạn của Viện; việc xây dựng cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, viên chức của một viện nghiên cứu chiến lược. Đổi mới công tác quản lý hành chính, quản lý khoa học, nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học khi chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến mối quan hệ phối hợp giữa Viện Chiến lược và KHTT với các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ; với các địa phương với cơ quan nghiên cứu của các bộ, ban, ngành trong nghiên cứu dự báo chiến lược cũng như trong nghiên cứu khoa học thanh tra.

Ông Ngô Mạnh Toan, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho biết, Viện thành lập 2003, sau 15 năm Viện đã lớn mạnh và đổi tên mang tính tầm vóc. Đặc biệt, đã có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng là nghiên cứu chiến lược, xây dựng chiến lược. Vì vậy, cần xác nhận rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện khi tổ chức và hoạt động theo mô hình Viện Chiến lược cho phù hợp với tên gọi, để tham mưu cho Tổng Thanh tra ban hành quy định phù hợp với tên gọi, công việc mới là Viện Chiến lược. 

Ông Toan đề xuất nên chăng cần thành lập phòng nghiên cứu chiến lược.

Đại diện của Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước là được thay đổi từ một vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước nên có nhiều bất cập và có nhiệm vụ giám sát thực hiện chiến lược về ngân hàng và nghiên cứu khoa học bao gồm có 5 phòng và chia thành các mảng là tổ chức tín dụng và ngân hàng Trung ương. 

Tuy nhiên, Viện là được Chính phủ giao tự chủ về kinh tế nên rất khó khăn, không biết tự chủ như thế nào, nên kinh nghiệm của Viện này là để làm Viện Chiến lược thì cần phải tự chủ được về kinh tế. Mặt khác, để thay đổi chức năng nhiệm vụ thì cần yếu tố con người, nhưng thực trạng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước thì không được tuyển người dù thiếu cán bộ chuyên môn.

Cũng theo vị này, để làm chiến lược thì sự quan tâm sát sao của người đứng đầu là quan trọng và cần sự chia sẻ với các đơn vị. Vị này dẫn chứng, có những văn bản soạn thảo và xin ý kiến của các cục vụ, đơn vị thì đồng nhận được ý kiến "cơ bản đồng ý" , vì vậy "chúng tôi không biết làm thế nào và có nên xin lấy ý kiến nữa không".

Ngoài ra, việc bất cập về chức năng, nhiệm vụ, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước làm chức năng hành chính và tham mưu nhưng cơ cấu tổ chức lại là Viện Chiến lược nghiên cứu khoa học, chính sách. Vì vậy, thực tại Viện là đã dự thảo xây dựng thông tư, pháp luật, nghị định đến 99% nhưng vì đơn vị sự nghiệp nên toàn bộ lại chuyển sang bộ phận pháp chế mới được công nhận.

Vị này cũng đồng ý với ý kiến của ông Toan là nên thành lập phòng nghiên cứu chiến lược.

Tham gia sâu vào các hoạt động của Thanh tra Chính phủ

Viện trưởng Viện KHTT, TS.Đinh Văn Minh cho biết, sẽ đề xuất, bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của Viện Chiến lược như nâng cao vai trò, vị trí của Viện Chiến lược và KHTT đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và theo tinh thần Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham gia sâu hơn vào các hoạt động của Thanh tra Chính phủ với tính chất tham mưu phục vụ công tác quản lý Nhà nước như xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; xây dựng thể chế, chính sách; tham mưu khi có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tổ chức, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; tham gia thẩm định các kế luận thanh tra về thanh tra trách nhiệm và giải quyết  khiếu nại, tố cáo khi được Tổng Thanh tra giao nhiệm vụ.

Còn đại diện của Viện Khoa học pháp lý cho rằng, hiện nay tất cả các viện thuộc các bộ, ngành đề nằm trong bối cảnh có 3 sức ép: Định hướng hướng Chính phủ trong việc mỗi bộ, ngành có một viện và đến năm 2021 bắt buộc các viện chuyển sang tự chủ một phần, và không được tăng biên chế. Vì vậy, tổ chức hoạt động các viện trong thời gian tới rất khó khăn. Thực trạng bây giờ là các viện phải đổi để phù hợp với tình hình mới là câu hỏi đặt ra.

Để giải quyết vấn đề đó, theo vị này cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ theo hướng chiến lược nghiên cứu, viện là đầu mối trung tâm dự báo việc phát triển của ngành; đưa ra các chính sách quy hoạch dài hạn; phát hiện những vấn đề mới đặt ra trong sự phát triển ngành, đồng thời, phát hiện những khó khăn tồn tại để đưa ra những định hướng, kế sách giải quyết nhằm tăng cường vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện.

Cũng theo theo vị này, để giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức thì cũng cần phải có ban nghiên cứu chiến lược; xây dựng các vấn đề quy hoạch dài hạn. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ với các cục, vụ, đơn vị thuộc ngành.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm