Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin, phát hiện tham nhũng

Thứ ba, 12/11/2013 - 18:20

(Thanh tra) - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự đối thoại.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ

Phát biểu tại đối thoại, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi quốc gia, làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hóa sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Năm 2013, có hơn 3,5 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013), với hơn 51 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt được tổ chức và trên 250 ngàn cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành.

Có 20 người tố cáo hành vi tham nhũng đã được biểu dương, khen thưởng; đã tổ chức trao giải thưởng cho 24 đề án về PCTN xuất sắc nhất từ 130 đề án tham gia Chương trình Sáng kiến PCTN 2013.

Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, đây là lần đầu tiên vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận với nhiều góc độ và quy mô rộng rãi.

Các nguyên tắc “thiện trí, trung thực”, “không xung đột lợi ích” “tuân thủ pháp luật” đã được thực thi rộng rãi trong giao dịch dân sự, kinh tế và từng bước được thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp hay những luật chuyên ngành khác.

Báo cáo kết quả nghiên cứu tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp tại đối thoại, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Mạnh Hùng cho biết, phỏng vấn 832 cá nhân tại 232 doanh nghiệp ở 5 tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cho thấy có đến 37% doanh nghiệp coi tham nhũng vặt (phải chi khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ công) là rất phổ biến; 43% coi là phổ biến và 17% cho rằng ít xảy ra; có đến 58% doanh nghiệp xem mình là nạn nhân của tham nhũng vặt, 80% doanh nghiệp cho rằng tham nhũng là phổ biến và rất phổ biến; 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ, 30% còn lại do cán bộ công chức gợi ý. 

Trong khi đó, theo báo cáo của VCCI, thì năm 2012, có đến 41% doanh nghiệp tư nhân đã đưa hối lộ để có được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tỉ lệ này trong năm 2011 là 23%. Nếu chia theo lĩnh vực thì có 34% doanh nghiệp tư nhân chi hoa hồng trong lĩnh vực sản xuất và 35% ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại và cao nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Đây là hình thức hối lộ thương mại, biểu hiện thông qua việc chi trả hoa hồng, trích thưởng, thỏa thuận “gửi giá” vì động cơ vụ lợi trong thực hiện hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Có tới 68,7% ý kiến cho rằng tình trạng ăn chia, hối lộ trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp; 64,7% cho rằng các cấp quản lý trong doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn, sử dụng, phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân… Việc tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp được đánh giá do nhiều nguyên nhân xảy ra và nó trở thành nguy cơ lớn nhất đe dọa sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Tăng cường chế tài xử lý doanh nghiệp hối lộ

Tại buổi đối thoại, các đại biểu tham dự đã thảo luận về những tiến triển trong công tác PCTN từ sau đối thoại PCTN lần thứ 11.

Các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu và những kinh nghiệm thành công trong thực hiện quy tắc tuân thủ và liêm chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các báo cáo và quá trình thảo luận đã phác họa nhiều khía cạnh của thực trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Phương Hiếu

Những nỗ lực của Việt Nam và những kết quả đã đạt được trong hoạt động PCTN được ghi nhận. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực thi có hiệu quả luật và các văn bản liên quan đến công tác PCTN, mở rộng Luật PCTN bao quát cả khu vực tư nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để có thể tham gia vào cuộc chiến PCTN...

Các đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng điều chỉnh của pháp luật PCTN sang khu vực tư nhân; tăng cường chế tài xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng biện pháp “đưa hối lộ” nhằm làm méo mó thị trường cạnh tranh lành mạnh; xây dựng bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp đối với xã hội; cam kết đạo đức kinh doanh với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và cơ quan Nhà nước dưới sự giám sát của cộng đồng xã hội; hoàn thiện cơ chế quản trị, phòng ngừa “xung đột lợi ích” giảm thiểu tình trạng tham nhũng, gian lận trong nội bộ doanh nghiệp; khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện sáng kiến hành động tập thể với sự tham gia của doanh nghiệp ký “cam kết thực hiện đạo đức kinh doanh”…

Phát biểu bế mạc đối thoại, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao các ý kiến tham luận tại buổi đối thoại. Thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật PCTN liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường; chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp hướng tới áp dụng các thông lệ quốc tế, cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu.

Bộ Tư pháp đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật PCTN sang khu vực tư, cũng như hình sự hóa “hành vi làm giàu bất chính”, hoặc nêu vấn đề “trách nhiệm hình sự của pháp nhân”… để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự sắp tới. Thanh tra Chính phủ cũng đang chủ trì xây dựng nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Với sự tham gia tích cực của đại diện nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đại diện đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các phòng thương mại, hiệp hội ngành nghề sẽ đưa ra được những khuyến nghị, giải pháp khắc phục được vấn nạn tham nhũng, hối lộ trong hoạt động doanh nghiệp. 

Tổng Thanh tra hy vọng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Việc các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

 Năm 2013,  toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 12,6 tỷ đồng, hơn 1,4 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 5 nghìn tỷ đồng và hơn 1,3 nghìn ha đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 2,3 nghìn tỷ đồng, 18,2 ha đất. Xử lý vi phạm hành chính hơn 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 6,3 nghìn tỷ đồng, 51ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm