Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

DN áp dụng ISO 37001 thì mức độ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Luật PCTN sẽ cao hơn

Thứ sáu, 12/10/2018 - 11:47

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của bà Đậu Thúy Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Tư vấn Quản lý OCD liên quan đến một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi ra khu vực ngoài Nhà nước với mục tiêu xây dựng liêm chính trong kinh doanh.

Gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển kinh doanh và quản lý dịch vụ khách hàng tại các công ty đa quốc gia như Daewoo Corporation, Hewlett-Packard, kinh nghiệm tư vấn quản lý, thành lập và phát triển doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong ngành dịch vụ tài chính, bà Đậu Thúy Hà cho rằng, để nhiều DN áp dụng hệ thống quản lý chống hội lộ (tên đầy đủ của bộ tiêu chuẩn ISO 37001) thì DN phải thấy được lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn này đến kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu, khả năng gọi vốn, việc giữ được người tài ở với DN…

+ ISO 37001 được ban hành từ năm 2016, nhiều DN trên thế giới đã đưa vào áp dụng. Là một công ty tư vấn cho các DN, theo bà, ISO này có cần thiết đối với các DN Việt Nam không?

- Tôi rất vui thấy Báo Thanh tra có câu hỏi trực diện như thế này. ISO 37001 đúng là một bộ tiêu chuẩn rất mới cả ở quốc tế và Việt Nam, nên chưa có nhiều DN biết đến bộ tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, rất nhiều DN Việt Nam, nhất là các DN tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, đều đã được yêu cầu tuân thủ luật pháp các nước khác về PCTN, ví dụ như Luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ hay Đạo luật Chống hối lộ của Anh, do đó, về cơ bản các DN này đã biết và ở một mức độ nhất định, đã thực hành các khuyến nghị của ISO 37001.

+ Bà có thể cho biết, hiện nay ở Việt Nam, đã có những DN nào áp dụng ISO này?

- Tại thời điểm này, cá nhân tôi và các đồng nghiệp của tôi chưa biết có DN nào ở Việt Nam đã đạt chứng chỉ ISO 37001. Tuy nhiên, tôi cũng được biết, vào tháng 5/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở Hà Nội, Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn miễn phí về ISO 37001 cho các DN hội viên.

Trước đó, VCCI cũng có Đề án 12 cung cấp (miễn phí) “Bộ công cụ hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham nhũng trong DN” theo kinh nghiệm tốt của quốc tế.

Với việc các DN Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào các chuỗi cung ứng  quốc tế đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về liêm chính, minh bạch trong kinh doanh, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có những DN Việt Nam đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn ISO 37001.

+ ISO đưa ra các thông lệ tốt của quốc tế về sự tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn… Các DN Việt Nam có thể áp dụng được các tiêu chuẩn này không?

- Tôi tin là nhiều thông lệ tốt của quốc tế về tuân thủ hoàn toàn có thể áp dụng được cho DN Việt Nam.

Theo kinh nghiệm làm việc với DN nhiều ngành nghề của Việt Nam thì có hai nhóm DN đã hoặc sẽ nhanh chóng áp dụng tuân thủ:

Một là, các DN Việt Nam nằm trong các chuỗi cung ứng quốc tế mà với họ thì việc cam kết và thực hiện tuân thủ các quy tắc này là điều kiện tiên quyết để được vào chuỗi.

Hai là, các DN niêm yết, các DN trong những ngành tự thân đã có tiêu chuẩn tuân thủ cao (ví dụ như ngành dịch vụ tài chính).

Với các DN này, minh bạch, tuân thủ cũng là một yếu tố quan trọng để họ có được sự tin tưởng từ nhà đầu tư, thị trường chứng khoán cho giá cổ phiếu của họ.

+ Theo bà, sau khi Luật PCTN sửa đổi được thông qua, các DN đã áp dụng ISO sẽ có những thuận lợi hay khó khăn gì trong quá trình hoạt động?

- Trong những năm qua, Công ty Tư vấn Quản lý OCD của chúng tôi có may mắn được tham gia như là 1 bên cung cấp dịch vụ cho 1 dự án nhiều năm của quốc tế về tập huấn PCTN cho một số cơ quan Trung ương.

Được tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước về PCTN, chúng tôi nhận thức rõ đây là một thách thức lớn, phức tạp, khó triển khai thành công đối với DN, nhất là với thực tế hiện nay ở Việt Nam, nhiều khi minh bạch, nói không với hối lộ và tham nhũng còn ảnh hưởng bất lợi đến công việc kinh doanh của họ.

Theo tôi, khác với Luật PCTN là văn bản luật pháp mà mọi pháp nhân và thể nhân ở Việt Nam phải tuân thủ, ISO 37001 là tiêu chuẩn quản lý, không bắt buộc tất cả các DN áp dụng. Theo logic của tôi thì nếu DN đã áp dụng hệ thống quản lý chống hội lộ (ISO 37001), thì mức độ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Luật PCTN sẽ là cao hơn.

Tôi cũng được biết, hiện nay VCCI và nhiều tổ chức xã hội khác đang có nhiều chương trình cổ súy và hỗ trợ DN minh bạch thông tin, thúc đẩy liêm chính trong hoạt động. Tôi hy vọng rằng những hoạt động bổ trợ này cũng sẽ góp phần làm DN tự tin hơn khi đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn tuân thủ và chống tham nhũng cao hơn những gì họ đang làm hiện nay.

+ Từ góc độ là đơn vị tư vấn quản lý cho các DN, bà quan tâm gì ở ISO 37001?

- Đại đa số các DN vừa và lớn ở Việt Nam đều có quy chế nội bộ, hoặc “quy tắc ứng xử”, quy định việc cho, nhận quà cáp. Qua báo cáo TRAC 2018 vừa rồi, nhiều DN lớn (nhất là khối DN có vốn Nhà nước) có quy chế PCTN. Đây là những bước đệm tốt để DN tiến đến công bố và áp dụng “chính sách PCTN” trong công ty mình và yêu cầu/khuyến khích các nhà cung cấp, đối tác... cũng áp dụng chính sách này. Ví dụ, Công ty Dinh dưỡng Abbott (Mỹ), có tài liệu tập huấn cho nhà cung cấp và đại lý về PCTN. Đây là những bước đầu tiên tiến đến ISO 37001.

Tuy nhiên, để nhiều DN áp dụng ISO 37001, thì DN phải thấy được lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn này đến kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu, khả năng gọi vốn, việc giữ được người tài ở với DN…

Thực tế, mối liên hệ này hiện nay chưa nổi trội đối với DN Việt Nam. Mới chỉ có một số sáng kiến như báo cáo TRAC trong những năm gần đây nỗ lực lượng hóa mối quan hệ này, và bắt đầu được DN cũng như giới truyền thông chú ý.

Tôi cho rằng cũng còn cần đến 3 - 5 năm nữa để cái tên “tiêu chuẩn ISO 37001” trở nên quen thuộc với đại đa số DN Việt Nam và bắt đầu được DN đưa vào áp dụng.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Kim Hồng - Nguyễn Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm