Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thái Hải

Thứ sáu, 10/11/2023 - 22:33

(Thanh tra) - Ngày 10/11, Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ tổ chức phê duyệt đề tài khoa học cấp bộ “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo” do TS Tạ Thu Thủy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đăng ký làm chủ nhiệm. TS Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt chủ trì buổi họp.

TS Tạ Thu Thủy trình bày thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Theo TS Tạ Thu Thủy, thanh tra là một chức năng của quản lý Nhà nước. Sự hình thành và phát triển của ngành Thanh tra ở Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn nhưng luôn gắn liền với việc thực thi quyền hành pháp, đó là chức năng kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với bản chất đó, hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) phải tuân thủ các yêu cầu chung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hành chính Nhà nước.

Luật Thanh tra năm 2022, công khai kết luận thanh tra được quy định chặt chẽ hơn, phải công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Về trách nhiệm giải trình, do các cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống hành chính và hoạt động thanh tra là hoạt động thực thi quyền lực Nhà nước, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nên các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định chung là giải thích và làm rõ các nội dung của quyết định, hành vi thực thi công vụ trong một số trường hợp cụ thể. Trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra là một phương thức để bảo đảm cho hoạt động thanh tra được minh bạch.

Đến thời điểm này, các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra chưa có quy định riêng về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra, thiếu quy định về trách nhiệm giải trình của thành viên đoàn thanh tra với trưởng đoàn thanh tra; trách nhiệm giải trình của trưởng đoàn với người ra kết luận thanh tra về những nội dung thanh tra cũng như giải trình về những tình huống phát sinh như việc chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra...

Về công khai, minh bạch công tác giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, quy định về kết luận xử lý các kiến nghị, phản ánh và giá trị pháp lý của kết luận này vẫn chưa được thể chế một cách rõ ràng để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát việc thực hiện của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Ngoài Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, chưa có quy định về việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, xử lý các kiến nghị phản ánh của tổ chức, người dân; chưa có quy định về trách nhiệm thực hiện, hình thức công trong quá trình tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, phản ánh; chưa có quy định về công khai các quy trình, các quy định về tiếp nhận, xử lý trên các phương tiện truyền thông... Điều này làm giảm trách nhiệm, hiệu quả xử lý các kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về thực tiễn, quy định pháp luật về công khai trong hoạt động thanh tra và việc thực hiện trên thực tế đã góp phần bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thanh tra thời gian qua vẫn cho thấy một số vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đang đặt ra đối với hoạt động thanh tra như: Trong xây dựng kế hoạch thanh tra vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước; trong quá trình tiến hành cuộc thanh tra, trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra vẫn còn bất cập, việc thực hiện trên thực tế chưa đầy đủ, nghiêm minh, có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch; thiếu quy định về minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra nên việc thực hiện nhiều nơi chưa nghiêm túc, nhất là trong thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách Nhà nước…

Việc nghiên cứu đề tài nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính sau: Những vấn đề chung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Thực trạng chính sách pháp luật và thực tiễn thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC.

Tại hội nghị, các ý kiến của các thành viên hội đồng đề nghị chủ nhiệm thực hiện đề tài có thể nghiên cứu hoàn thiện thuyết minh theo hướng sau: Về tên đề tài, khuôn lại phạm vi trong hoạt động thanh tra; tính cấp thiết, cần bổ sung thực tiễn. Mục tiêu nghiên cứu cần khuôn gọn lại, hướng đến giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC

TS Lê Tiến Hào, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Tên đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC”; mục tiêu chung nên gọn lại; về tính cấp thiết, nên bổ sung nội dung của Văn kiện XIII của Đảng về vấn đề này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm