Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Coi xử lý nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên

Thứ ba, 09/06/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Đó là chia sẻ của Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đinh Tiến Dũng về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc tại Bộ TT&TT.

Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đinh Tiến Dũng. Ảnh: LP

Chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nào có hành vi nhũng nhiễu

Ông Dũng cho biết, nhằm cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 10 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch số 3037/KH-BTTTT triển khai chương trình hành động thực hiện.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ phải gương mẫu đi đầu; coi phòng, chống tham nhũng (PCTN) vặt, xử lý nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, toàn diện, đồng bộ với các chủ trương, giải pháp khác trong lĩnh vực này…

Cũng theo ông Dũng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao; rà soát báo cáo kết quả và tiến hành sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10.

Kết quả cho thấy, việc quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Kế hoạch số 3037 của Bộ được toàn thể cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức và người lao động của Bộ thực hiện nghiêm túc.

Lãnh đạo Bộ trực tiếp giao nhiệm vụ, phân công đến từng lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình.

Từ đó, lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ đã gương mẫu đi đầu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc PCTN.

Coi PCTN, xử lý nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật PCTN 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, bám sát phương châm hành động “người đứng đầu làm gương, nhân viên kỷ cương, làm việc có trọng tâm suy nghĩ và hành động thì bứt phá”; đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung phấn đấu thực hiện các mục tiêu thuộc 6 lĩnh vực trọng tâm của Bộ; đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Chưa tiếp nhận phản ánh nào về hành vi nhũng nhiễu

Đối với việc rà soát nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, ông Dũng cho biết, nội dung này đã được Bộ TT&TT nghiêm túc thực hiện. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tiến hành rà soát, xác định bổ sung danh mục các vị trí công tác thuộc lĩnh vực, vị trí phải định kỳ chuyển đổi trong nội bộ cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Vụ Tổ chức cán bộ đang chủ động xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác định kỳ đối với cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng theo quy định tại Điều 24 Luật PCTN 2018. Bổ nhiệm và luân chuyển 18 cán bộ lãnh đạo cấp vụ; bổ nhiệm lại 7 lãnh đạo cấp vụ; xem xét bổ nhiệm 22 lãnh đạo cấp phòng.

Đến thời điểm này, tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT chưa tiếp nhận được thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo (KN,TC) nào về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ TT&TT đối với người dân và doanh nghiệp.

Những phản ánh, kiến nghị, KN,TC nhận được chỉ tập trung qua đường dây nóng, hộp thư điện tử một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT với những nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các cơ quan thuộc Bộ. Các thông tin phản ánh, kiến nghị, KN,TC này được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất đối với việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng, hộp thư điện tử là nhiều thông tin chưa chính xác, thông tin không có nội dung, địa chỉ rõ ràng.

Tuy nhiên, đối với thông tin phản ánh, kiến nghị, KN,TC có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về TT&TT đều được lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung xác minh, xử lý. Đặc biệt trước tình trạng nhũng nhiễu của phóng viên đối với các cơ quan, doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời chuyển cơ quan công an điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp có hành vi lợi dụng tác nghiệp báo chí để nhũng nhiễu, trục lợi.

Đồng thời phản ánh, thông báo, nhắc nhở chung đối với các cơ quan báo chí tại hội nghị giao ban báo chí định kỳ để các cơ quan báo chí biết và có biện pháp tự rà soát, chấn chỉnh nội bộ.

Củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp

Có thể nói, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Kết quả, tại Bộ, không có tổ chức, cá nhân nào có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Công tác PCTN và tiếp công dân, giải quyết KN,TC cũng đạt kết quả đáng khích lệ, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp với bộ máy quản lý Nhà nước.

Năm 2019 và quý I/2020 Bộ tiếp 29 lượt công dân (23 vụ việc); tiếp nhận 920 đơn thư, trong đó, năm 2019 nhận 814 đơn, quý I/2020 nhận 106 đơn. Không có vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp. Qua phân loại, có 779 đơn đủ điều kiện xử lý. Phần lớn các đơn thư KN,TC không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Đến nay, số đơn thư này đã được xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Dũng cho biết, bên cạnh những ưu điểm đạt được, cũng còn không ít hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp ngành.

Nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn, nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên; chưa có sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng; việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong PCTN vẫn còn hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10, ông Dũng cho biết, Bộ TT&TT tiếp tục kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức phổ biến, tập huấn trên diện rộng các quy định và nhiệm vụ cụ thể về công tác PCTN để nâng cao nhận thức pháp luật về PCTN cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; có hướng dẫn chi tiết kinh phí cho các hoạt động liên quan đến PCTN để các cơ quan, đơn vị triển khai đúng quy định và đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Lê Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm