Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10 sự kiện của ngành Thanh tra nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ hai, 01/02/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Kế thừa truyền thống của ngành, trong nhiệm kỳ 2016-2021, toàn ngành Thanh tra đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng, triển khai công tác thanh tra và đạt nhiều kết quả tích cực. Mời bạn đọc cùng Báo Thanh tra nhìn lại 10 sự kiện lớn của ngành Thanh tra trong nhiệm kỳ qua. Các sự kiện do Báo Thanh tra bình chọn, theo mốc thời gian.

1. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm đối với tất cả lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong nhiệm kỳ

Sáng 26/10/2017, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Bạc Liêu, làm Tổng Thanh tra Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, chiều ngày 26/10/2017, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cũng trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm đối với cả 5 nhân sự cấp cao khác của Thanh tra Chính phủ: Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh (tháng 10/2015), Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm (tháng 5/2018), Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam (tháng 7/2017), Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh (tháng 1/2019), bổ nhiệm lại đối với Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn (tháng 7/2020).

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đoàn kết nhất trí lãnh đạo ngành Thanh tra hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức thực hiện

Hội thảo xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 8/12/2015, ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016-2021, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thực hiện Chiến lược với nhiều nội dung quan trọng: Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; chuẩn hóa, nâng cao phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng các mặt công tác, đặc biệt là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra trên cơ sở các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Triển khai sử dụng trên toàn quốc hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo

Ngày 15/3/2018, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để triển khai sử dụng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Đây là phần mềm được triển khai với hệ thống cơ sở dữ liệu cài đặt duy nhất tại Thanh tra Chính phủ. Các cấp khác sẽ sử dụng chung cơ sở dữ liệu với Thanh tra Chính phủ, việc trao đổi thông tin được thực hiện thông qua trao đổi tự động trên hệ thống mạng (Cpnet, WAN).

Hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo có những ưu điểm: Khắc phục tình trạng đơn thư trùng lặp; đơn thư sẽ tập trung về một đầu mối; đảm bảo tính chính xác của các số liệu báo cáo; hỗ trợ cho việc điều hành trực tuyến.

4. Thanh tra Chính phủ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức

Thanh tra Chính phủ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức

Ngày 9/4/2018, căn cứ theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, thay thế Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012.

Về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, Nghị định số 50/2018/NĐ-CP và Nghị định số 83/2012/NĐ-CP có một số thay đổi về tên gọi các cục, vụ và số lượng phòng, ban. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ gồm có 19 đơn vị. Trong đó, Cục Chống tham nhũng đổi tên thành Cục Phòng, chống tham nhũng; Vụ Kế hoạch, Tài chính và tổng hợp đổi tên thành Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Viện Khoa học thanh tra đổi tên thành Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Về chi tiết, Vụ I, II, III bỏ cấp phòng; Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra giảm từ 3 phòng xuống còn 2 phòng; Ban Tiếp công dân Trung ương tăng từ 4 phòng lên 5 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ, Cục I, Cục II, Cục III có 4 phòng; Văn phòng có 5 phòng. Ban Tiếp công dân Trung ương có con dấu riêng và có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh.

5. Tiếp tục đạt kết quả quan trọng trong xây dựng thể chế

Quốc hội nhấn nút thông qua Luật Tố cáo 2018

Trong 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật quan trọng, gồm: Luật Tố cáo 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; giúp Chính phủ ban hành 5 nghị định quan trọng (trong đó có Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng...); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, đề án. TTCP ban hành các thông tư hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy...

Đồng thời, trình Chính phủ sửa đổi Luật Thanh tra 2010 và Quốc hội đã đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2021.

6. Công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả rất quan trọng

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi 2018

Theo báo cáo của Chính phủ, với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 28/4/2016 về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 20 ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Quyết định số 861 ngày 11/7/2019 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 70/2016/TTLT- BTC-TTCP ngày 6/5/2016 quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng...

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

7. Ban hành kết luận nhiều cuộc thanh tra phức tạp được dư luận xã hội quan tâm

Thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu, là cuộc thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng

Đây là các cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, gồm: Thanh tra dự án đầu tư cải tạo mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra toàn diện dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; thanh tra dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II; thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu; thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Cảng Quy Nhơn, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn; thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu; thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường... và chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

8. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh

Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái và ông Charles Duchaine, Thẩm phán, Giám đốc Cơ quan Phòng, chống tham nhũng Cộng hòa Pháp ký kết bản ghi nhớ hợp tác

Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu với Chính phủ thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tích cực thực hiện các cam kết về bảo đảm minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong APEC, ASEAN, WTO, CPTPP... Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhất là việc giải quyết các vụ án, vụ việc, thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Nhờ đó, Việt Nam đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tuân thủ nghiêm túc các quy định của cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

9. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài

Một buổi tiếp công dân của Tổng Thanh tra Lê Minh Khái

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sau khi đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 1130 ngày 10/5/2012; toàn ngành Thanh tra tiếp tục rà soát, giải quyết 531 vụ việc theo Kế hoạch 2100 ngày 19/9/2013.

Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các kế hoạch này, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu tổ chức nhiều hội nghị về công tác này và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1849 ngày 27/12/2018 thành lập tổ công tác chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng.

Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 363 ngày 20/3/2019, tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện và trực tiếp kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, chỉ đạo giải quyết 24 vụ việc.

Việc làm này huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần tăng cường hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; góp phần vào tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

10. Vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Thanh tra

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, ngành Thanh tra đã được Đảng, Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Thanh tra do có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thúy Nhài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm