Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm lĩnh vực y dược cổ truyền

Thứ sáu, 09/06/2017 - 14:49

(Thanh tra) - Cả nước có 63 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chuyên khoa về y học cổ truyền (không tính các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa có khám chữa bệnh y học cổ truyền). Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện có rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh BHYT y, dược cổ truyền.

Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nghiên cứu để có chính sách riêng đối với các bệnh viện y học cổ truyền. Ảnh: NN

Chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng; thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo qui trình kỹ thuật, thời gian và định mức theo quy định; tách các dịch vụ kỹ thuật để thanh toán; kéo dài ngày điều trị nội trú; đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết. 

Đặc biệt, giá trúng thầu của các vị thuốc y học cổ truyền chênh lệch rất lớn giữa các địa phương; ghi quy cách của dược liệu, vị thuốc tại kết quả đấu thầu không rõ ràng gây khó khăn trong giám định giá thanh toán...

Ông Sơn dẫn chứng: Ba kích tại Quảng Nam có giá 338.500 đồng, Thanh Hóa là 630.000 đồng, Điện Biên giá 730.000 đồng/kg. Bạch truật tại Trà Vinh giá 148.000 đồng/ kg, trong khi tại Thanh Hóa giá cao gấp 2,8 lần là 420.000 đồng/kg. Vị thuốc Đào nhân tại Trà Vinh giá 357,000 đồng/kg nhưng tại Bình Dương giá cao gấp đôi, tới 840,000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về phát triển y dược cổ truyền cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, như: Một số danh mục kỹ thuật ở chuyên khoa này không thanh toán được ở chuyên khoa khác, hướng dẫn thanh toán chi phí do quỹ BHYT chi trả cho bệnh mãn tính, bệnh cấp tính chưa cụ thể, một số nơi áp bệnh mãn tính là bệnh điều trị dài ngày của Bộ Y tế.

Do vậy, ông Tuấn đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nghiên cứu để có chính sách riêng đối với các bệnh viện Y học cổ truyền, qua đó giúp các bệnh viện phát triển mạnh hơn nữa. Đồng thời sửa đổi quy định chi trả phụ cấp thủ thuật, nâng định mức trần chi trả tại Trạm Y tế, bổ sung phí thuê nhân công và kiểm nghiệm giá thuốc... sau khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật, năm 2015, nhiều bệnh viện đã giảm đáng kể số lượng người bệnh đến khám và điều trị cả ngoại trú và nội trú.

Hiện tại, các trường đại học không nhận bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền học chuyên khoa sơ bộ, định hướng một số chuyên ngành Y học hiện đại. Vì vậy, một số bệnh viện y học cổ truyền không đủ điều kiện về nhân lực để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nhưng lượng thẻ đăng ký rất ít.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hiện nay, thanh toán BHYT trong lĩnh vực y, dược cổ truyền còn nhiều khó khăn. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều, nhưng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa có tính thực tiễn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mặc dù còn nhiều bất cập chưa giải quyết hết các yêu cầu của các đơn vị, Bộ Y tế và BHXH sẽ tìm cách giải quyết tháo gỡ khó khăn trong khám chữa bệnh BHYT nói chung và lĩnh vực y, dược cổ truyền nói riêng.

Về phía BHXH Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam  đề nghị Bộ Y tế cần sớm phối hợp với BHXH tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đồng thời rà soát lại quy trình thực hiện dịch vụ kỹ thuật để điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực và thời gian phù hợp. Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả sử dụng vị thuốc y học cổ truyền tại các địa phương có chi phí vị thuốc lớn. Cần công bố giá thuốc trúng thầu, giá trúng thầu trung bình đối với vị thuốc y học cổ truyền. 

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm