Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vi phạm quảng cáo vẫn phổ biến trên đường phố Hà Nội

Thứ hai, 08/05/2017 - 13:17

(Thanh tra) - Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131 về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 với mức phạt tăng nặng nhiều lần đối với vi phạm quảng cáo. Thế nhưng, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều đường phố Hà Nội.

Quảng cáo live show ca nhạc ngày 6/5, tại ngã ba Trần Khát Chân - Lê Đại Hành. Ảnh: O.H

Chánh Thanh tra Bộ có thể phạt tiền tới 250 triệu đồng

Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/5/2017, liên quan các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì mức phạt được tăng nặng lên nhiều lần và tổ chức, cá nhân được trao thẩm quyền xử phạt, trong đó có Thanh tra cũng được tăng lên.

Cụ thể, Điều 38 quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của Thanh tra quy định: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt tiền đến 500.000 đồng; Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền: Phạt tiền đến 175.000.000 đồng.

Quảng cáo, rao vặt dày đặc trên tường các hộ dân tại một ngõ Đường Lê Thanh Nghị. Ảnh: O.H

Đặc biệt, thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục: Hàng hải Việt Nam; Hàng không Việt Nam; Tần số vô tuyến điện; Viễn thông; Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Báo chí; Xuất bản, In và Phát hành có thể phạt tiền đến 250.000.000 đồng. Đồng thời, còn có thẩm quyền tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật VPHC và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Tăng mức phạt vi phạm quảng cáo lên nhiều lần

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội cho biết, theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP, người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 200 - 500 ngàn đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Cũng có vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng… Căn cứ vào Luật Thủ đô, Hà Nội áp dụng mức phạt hành vi vi phạm quảng cáo cao gấp 2 - 3 lần so với quy định của Nghị định 158. Có nghĩa, những hành vi phát tờ rơi dán quảng cáo không đúng nơi quy định đã có thể phạt 4 - 6 triệu đồng. Thế nhưng, mức phạt của Nghị định 28 sẽ còn cao hơn gấp 2 lần nữa. Đây là một tín hiệu vui để lực lượng Thanh tra có thể mạnh tay xử lý vi phạm.

Quảng cáo dịch vụ trên cột điện và cây xanh tại phố Tam Trinh ngày 6/5. Ảnh: O.H

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm mới của Nghị định định 28/2017/NĐ-CP đó là bên cạnh việc phạt tiền đối với các hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo cũng bị xử phạt nặng hơn (từ 5 - 10 triệu đồng).

Ngoài ra, với các hành vi: Thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên mỗi bảng, mỗi băng-rôn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo hoặc quảng cáo trên bảng, băng-rôn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo chấp thuận sau khi thông báo nội dung quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt... Cùng với các hành vi vi phạm thì việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng được quy định chặt chẽ. Vì vậy, xã hội đang kỳ vọng việc xử lý vi phạm nói chung và xử lý vi phạm quảng cáo nói riêng sẽ được thực hiện triệt để.

Rao vặt trên trạm biến áp phố Tam Trinh. Ảnh: O.H

Nhiều vi phạm vẫn còn tồn tại

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh tra, ngay trong ngày 5/5/2017 khi hiệu lực của Nghị định mới bắt đầu thì tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn diễn ra khá phổ biến trên các đường phố Hà Nội.

Dọc theo tuyến phố từ Tam Trinh đến Kim Ngưu, trong ngày 6/5/2017, tình trạng tờ rơi, thông tin quảng cáo, rao vặt đủ loại dịch vụ “đu” trạm biến áp, đến cột điện, trên bờ tường, cây xanh diễn ra phổ biến. Tại đầu ngõ 641 Kim Ngưu, thông tin rao vặt cho thuê nhà, cho vay tiền dán đầy cột điện trước ngõ. Tại nhiều con ngõ khu vực đường Lê Thanh Nghị nơi tập trung đông sinh viên thuê trọ thì dày đặc các thông tin rao vặt về tín dụng sinh viên, thuê phòng trọ, vay trả góp... được ví như “rác tường” đang bủa vây khu dân cư. Nhiều dịch vụ lắp đặt cáp quang, internet khác lại tập trung nhiều tại các khu chung cư cũ trên đường Giải Phóng, thậm chí còn “sáng tạo” hơn khi “đu” lơ lửng trên dây điện. Thậm chí, tại các ngã trục đường lớn như Đại Cồ Việt, ngã ba Trần Khát Chân – Lê Đại Hành, ngã tư Phố Huế - Trần Khát Chân nhiều tấm bạt quảng cáo cỡ lớn còn ngang nhiên treo tại cột đèn, cây xanh lớn với thông tin và hình ảnh quảng cáo về chương trình Live show của ca sĩ nổi tiếng.

Một nam thanh niên phát tờ rơi quảng cáo tại các quán cà phê tại ngõ, phố Trần Huy Liệu. Ảnh: O.H

Trước đó 1 ngày, tại khu vực phố Trần Huy Liệu, Giảng Võ, nhiều quán cà phê còn “được” dịch vụ dán điện thoại online tiếp thị và phát tờ rơi ngay tận tay như không hay biết về Nghị định mới đã cấm hoạt động này...

Thiết nghĩ, với những quyết tâm lập lại trật tự, văn minh đô thị đã thực hiện trong thời gian vừa qua về vi phạm vỉa hè, vi phạm quảng cáo tấm lớn, thì trong thời gian tới, bên cạnh chế tài xử phạt được tăng lên, cơ quan chức năng Hà Nội sẽ xử lý triệt để được những vi phạm.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm