Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 23/05/2023 - 13:37
(Thanh tra) - “Tuổi thọ của các luật ngày càng trẻ hóa, một số luật mới ban hành 2 - 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung”, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng nói và nhận xét, đây là “căn bệnh” chưa có liệu pháp chữa trị dứt khoát.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: P.Thắng
Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, sáng ngày 23/5.
Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh chương trình năm nay. Trong đó, đề nghị bổ sung 4 dự án luật, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng từ đầu nhiệm kỳ, việc xây dựng luật, pháp luật có hai điểm nổi bật. Một là, có được đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Hai là, có phương thức lập pháp thích ứng với tình hình, điển hình như các nghị quyết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trao cho Chính phủ thẩm quyền để ứng phó với đại dịch.
Tuy vậy, theo ông Vân, hoạt động lập pháp còn có 3 hạn chế cố hữu.
Đầu tiên là, thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Điều này “tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”, đại biểu nhận xét.
Điều thứ hai là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến. Hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ tùy tiện.
Thứ ba là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định được. “Đặc biệt, quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích”, ông Vân nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng băn khoăn khi việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh còn diễn ra nhiều năm, khá phổ biến.
“Dường như câu chuyện làm luật của chúng ta còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các luật ngày càng trẻ hóa, một số luật mới ban hành 2 - 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung. Đó là những vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát. Xem ra căn bệnh này ngày càng trầm kha”, đại biểu nói.
Theo ông Thắng, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ,
Chung mối quan tâm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu, nếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực sự tối ưu thì tại sao tuổi thọ các đạo luật chỉ có “trên, dưới 10 năm”.
Gửi tài liệu chậm, dứt khoát không đưa ra Quốc hội sẽ “nghiêm hết”
Theo ông Thịnh, nếu tiếp tục tư duy lập pháp theo kiểu cơ quan nào chủ trì sẽ trình dự luật cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch hằng năm sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo, bị động khi cơ quan trình chậm.
Ông dẫn chứng với việc quan tâm nhiều về Dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhưng đến nay vẫn chưa có dự thảo cuối cùng.
“Trách nhiệm thuộc về ai? Tổng Thư ký đã nói trong báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lưu ý. Nhưng theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa. Cơ quan nào vi phạm về thời gian là dừng không đưa ra Quốc hội. Dứt khoát như thế, lần sau chắc chắn tất cả sẽ nghiêm hết”, ông Thịnh đề xuất.
Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hàng năm. Cạnh đó, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế bớt các quy phạm chính trị trong luật bằng cách đổi mới thành phần ban soạn thảo.
“Phần lớn hiện nay ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật, như vậy cách nhìn không khách quan”, ông Vân nói. Theo ông, thành phần ban soạn thảo nên theo hướng nhiều nhà khoa học, chuyên môn tham gia và đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Thủ tướng phân công một phó thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ.
“Chúng ta cần coi tiêu chí xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế của những chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một tiêu chí đánh giá”, ông Vân đề xuất.
Theo chương trình kỳ họp 5, ngày 2/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào chương trình năm 2023”.
Trong 3 dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 với Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Còn Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
“Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6”, ông Tùng nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét thấu đáo, lý giải rõ cơ sở đề xuất bổ sung 3 luật này vào chương trình. Nhất là, những điểm mới phải thực sự khoa học, thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và nội hàm của các điều luật.
Có như vậy mới có sự đồng thuận cao ngay trong đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, theo ông Thắng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.
Thái Hải
12:16 12/12/2024(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).
Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
13:49 10/12/2024Trần Quý
11:39 10/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC