Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực trạng ban hành và thực hiện kết luận thanh tra

Thái Hải

Thứ sáu, 22/10/2021 - 14:58

(Thanh tra) - Đó là nội dung được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo trực tuyến đề tài khoa học cấp Bộ “Kết luận thanh tra (KLTT) - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm, diễn ra ngày 22/10.

Ảnh: TH

Với chủ đề “Thực trạng ban hành và thực hiện KLTT”, tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày những bất cập hạn chế trong ban hành và thực hiện KLTT như thời gian xây dựng, báo cáo và ban hành các KLTT; thẩm định KLTT, công khai KLTT…

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, KLTT là văn bản được/do người có thẩm quyền thanh tra ban hành sau khi kết thúc thanh tra nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; quyết định xử lý vi phạm pháp luật hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có).

“KLTT có giá trị như là những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các kiến nghị (bằng việc đưa ra các biện pháp cụ thể như hoàn thiện chính sách, pháp luật thay đổi phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát…) nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng quản lý và xử lý các vi phạm đã được chỉ ra trong quá trình tiến hành thanh tra. Giá trị này của KLTT là cơ sở quan trọng để xác định các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện KLTT”, TS Khanh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Thắng, Thanh tra Quảng Ninh đưa ra ý kiến: KLTT ai ban hành mới là hợp lý. Theo ông Thắng, trước đây là do trưởng đoàn thanh tra, sau đó lại là người ra quyết định thanh tra. Trên thực tế, tại Quảng Ninh, người ra quyết định thanh tra chưa hẳn là người ký KLTT, mà có khi là phó chánh thanh tra ký hoặc trưởng đoàn thanh tra ký nhưng lại chưa có hướng dẫn ủy quyền nên tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.

Ông Thắng cho rằng, người ra quyết định thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra ủy quyền mới được ký KLTT, ai được ủy quyền thì sẽ ký KLTT, có thể là phó chánh thanh tra hoặc có thể là trưởng đoàn thanh tra. Điều này thể hiện linh hoạt và và tính cá nhân chịu trách nhiệm trước việc mình kết luận đúng sai về vấn đề thanh tra và đề cao trách nhiệm người đứng đầu dù ủy quyền nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề thẩm định KLTT, ở Quảng Ninh, ngoài việc căn cứ vào thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, còn ban hành quy chế thẩm định sau thanh tra. Đối với hoạt động giám sát thì đơn vị cũng phân chia một cách rõ ràng như những nội dung nào được giám sát trong quá trình thanh tra. Thông thường những cán bộ giám sát là những người thẩm định KLTT và đều tham gia trong quá trình thanh tra. Chỉ những cuộc thanh tra do chánh thanh tra giám sát trực tiếp hoặc không phân công cán bộ nào giám sát thì thẩm định mang tính chất trình tự thủ tục.

Ngoài ra, việc tồn tại, hạn chế bất cập về thời gian của cuộc thanh tra kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận, ông Thắng cho rằng, việc này là khó khăn lớn nhất của tất cả các địa phương, bộ, ngành. Trong các báo cáo hằng năm hay định kỳ, bao giờ cũng có dòng “một số cuộc thanh tra còn kéo dài”. Đối với hạn chế này chúng ta phải tìm ra nguyên và cách khắc phục.

Thời gian tiến hành thanh tra kéo dài do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do phương pháp điều hành của trưởng đoàn cũng như thành viên đoàn thanh tra chưa được triệt để, nhất là những đoàn thanh tra có yếu tố phức tạp, rộng và việc thống nhất nội dung của trưởng đoàn với đối tượng thanh tra kéo dài, đẩy đi đẩy lại, lên biên bản rồi nhưng chưa thống nhất trong từng phần nội dung, dẫn đến thời gian làm việc tại đơn vị kéo dài. Do đó đã dẫn tới kéo dài các thời gian tiến hành cuộc thanh tra.

“Chúng tôi có phương pháp là tách nhỏ từng phần công việc, một nội dung có 3 nội dung nhỏ thì tách ra làm 3 biên bản, làm đến đâu ký đến đó, cũng đã góp phần hạn chế được điều này”, ông Thắng nói.

Nguyên nhân nữa là khi kết thúc ở đơn vị rồi nhưng thực chất chưa kết thúc, vẫn chưa ký được biên bản toàn diện, nên cần xin thời gian giải trình, làm báo cáo và xin ý kiến để ký một số nội dung chưa kết thúc tại đơn vị theo luật.

Bà Phương Hoa, Thanh tra Hà Nội cũng khẳng định: Các cuộc thanh tra kéo dài thời gian là một trong những bất cập, hạn chế mà nhiều đơn vị gặp phải. Ở Thanh tra Hà Nội thì việc thanh tra kéo dài ở thời điểm kết thúc thanh tra trực tiếp cho đến khi KLTT.

Có 2 nguyên nhân là do hướng của KLTT khó và phức tạp nên kết luận khó, dẫn đến việc phải xin ý kiến, tư vấn của cơ quan đơn vị chuyên môn, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi ban hành kết luận. Một nguyên nhân nữa là nội dung chưa được đảm bảo theo như nội dung và yêu cầu, KLTT của đoàn thanh tra chưa đảm bảo, dẫn đến việc người ra quyết  định thanh tra phải đặt đi đặt lại, cũng như cần phải thu thập bổ sung hồ sơ, tài liệu thông tin trước khi ban hành KLTT.

Về thẩm định dự thảo KLTT, Luật Thanh tra không có quy định thẩm định và thực tế thì thực hiện việc thẩm định KLTT gặp nhiều khó khăn, khi làm việc tại đơn vị thì gần như không thực hiện, nếu có thì cũng chỉ là hình thức. Việc giám sát thì các đơn vị chủ yếu thực hiện tự giám sát, còn việc thành lập tổ giám sát có nhưng ít, tập trung vào đoàn thanh tra phức tạp và đột xuất.

Việc đăng tải công khai KLTT trên các trang điện tử, bà Hoa cho rằng, các đơn vị chưa thực hiện, còn e dè, ngại ngùng. Có chăng cũng chỉ đăng thông báo các kiến nghị mà thôi, các nội dung chính của KLTT thì gần như không đăng tải.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đưa ra ý kiến: KLTT có nhiều loại, trong đó loại do đoàn thanh tra bình thường ban hành, có loại KLTT thanh tra lại (sau khi hoạt động thanh tra đã tiến hành rồi và có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải thanh tra lại và có KLTT không phải của cơ quan có thẩm quyền thanh tra bình thường kia mà là của cơ quan trên một cấp ban hành). Vì vậy, Ban Chủ nhiệm nghiên cứu bổ sung và phân tích thêm giá trị pháp lý của vấn đề này.

“Một KLTT được cho là đầy đủ rồi, trong trường hợp bị thanh tra lại thì hiệu lực pháp lý của nó được giải quyết như thế nào, nó giống như sơ thẩm hay phúc thẩm hay không? Phần nào có dấu hiệu vi phạm? Mỗi văn bản kết luận phải thể hiện được kết quả xem xét, đánh giá, kiến nghị của văn bản đó như mục tiêu khi ra quyết định hay phê duyệt bản kế hoạch tiến hành thanh tra”, ông Hùng nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo ông Hùng, Ban Chủ nhiệm cần bổ sung thực trạng nhiều KLTT đối với 1 cuộc thanh tra về cùng một nội dung. Đây cũng là thực trạng sau này liên quan đến phần đôn đốc, tổ chức thực hiện.

Ông Hùng cũng cho rằng, với cách quản lý như hiện nay thì việc không thực thi được KLTT càng ngày càng lớn. Trong 10 năm qua, theo số liệu thống kê, tổng hợp báo cáo của Thanh tra Chính phủ hằng năm cộng lại, lập bảng gắn số thì tổng số tiền không thu hồi được là cực kỳ lớn, bởi mỗi một năm chúng ta kiến nghị thu hồi chừng này, đã thu hồi chừng này, tương tự, sang năm cũng như vậy. Trong khi đó không ai phân tích ra bao nhiêu trong số đó có điều kiện thi hành, bao nhiêu không có điều kiện thi hành….

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

Đề tài “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được xếp loại xuất sắc

(Thanh tra) - Đề tài cấp bộ “Đổi mới tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu với kết quả xuất sắc vào ngày 22/11.

15:37 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm