Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần phân biệt “tuổi nghề” với “tuổi hưu”

Chủ nhật, 14/07/2019 - 12:44

(Thanh tra)- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải phân biệt “tuổi nghề” với “tuổi hưu”. Hiện Chính phủ đã có danh mục những ngành nghề được giảm - tăng tuổi nghỉ hưu. Có những ngành nghề không chỉ giảm 5 năm mà thậm chí tới 10 năm.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thiết kế chính sách theo hướng để người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn và danh sách ngành nghề có thể nghỉ hưu sớm. Ảnh minh hoạ

50 tuổi cũng có thể nghỉ hưu

Chuyên gia về lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, nếu không kịp thời nâng tuổi hưu, hậu quả sẽ là bỏ phí chất xám của lực lượng lao động kỹ năng cao, chưa kể tới vấn đề cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, ở một số nhóm ngành nghề thì chính sách tăng tuổi hưu cũng phải tính toán linh hoạt.

Theo ông Huân, phải đưa ra các yêu cầu đối với quá trình sửa đổi Luật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 tác động rất lớn tới thị trường lao động như thế nào? Cùng với đó, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, kéo theo phương thức hoạt động cũng như việc thực thi các nghĩa vụ của người lao động đối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng thay đổi rất nhiều…

Đó là chưa kể trong bối cảnh CMCN 4.0, hội nhập quốc tế đang diễn ra, song Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Năng lực lao động hạn chế, lại đối mặt với quá trình chuyển tiếp sang trình độ sản xuất hiện đại rất gấp gáp, vì vậy có nhiều vấn đề mới về lao động xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách cho người cao tuổi cho đến đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, thất nghiệp… được đặt ra.

Cho nên câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu và lộ trình của nó cần thế nào cho hợp lý, tạo được sự đồng thuận cao, bởi nếu không kịp thời nâng tuổi hưu, hậu quả sẽ là bỏ phí chất xám của lực lượng lao động kỹ năng cao, giàu kinh nghiệm. Còn đối với những lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp thì một số ý kiến cho rằng, cần lấy ý kiến rộng rãi thêm.

Về những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thiết kế chính sách theo hướng để người lao độncó quyền nghỉ hưu sớm hơn và danh sách ngành nghề có thể nghỉ hưu sớm.

Theo ông Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được Nghị quyết 28 của Trung ương đặt vấn đề rất rõ, mục đích của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, đảm bảo sự bền vững và căn cứ rất nhiều các mục tiêu khác…

Chính sách được thiết kế theo “quyền nghỉ hưu”

Đối với vấn đề bảo đảm sự ổn định của Quỹ BHXH, hiện nay thời gian đóng BHXH của cả nam và nữ còn thấp, mức đóng bình quân là hơn 20 năm nhưng lại hưởng rất cao. Thông thường các nước khác, mức hưởng là 30- 45%, nhưng Việt Nam mức hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70%.

Do đó, “việc tăng tuổi nghỉ hưu là nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết song song với nhiều luật khác, nhiều chính sách khác, ví dụ như điều chỉnh cả về bảo hiểm, điều chỉnh về việc làm, thị trường lao động, chứ không phải chỉ có Bộ luật Lao động”, ông Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Tăng tuổi nghỉ hưu là phương án điều chỉnh theo lộ trình chậm, nếu theo phương án 1 như Chính phủ trình thì đến năm 2028 nam giới mới nghỉ hưu ở độ tuổi 62, đến năm 2035 thì nữ giới mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60 đối với người lao động trong điều kiện làm việc bình thường, sức khỏe bình thường.

Người lao động trong trường hợp: Suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại thì có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang thiết kế chính sách, thậm chí là có thể có những người nghỉ ở độ tuổi 50, chẳng hạn một người đã lao động nặng nhọc rồi, lại bị suy giảm sức khỏe nữa thì sẽ phải nghỉ sớm hơn nữa.

Chính sách được thiết kế theo hướng là “quyền nghỉ hưu”. Tức là người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn, có thể nghỉ hưu khi đã đủ thời gian đóng BHXH, hoặc nếu chưa đủ tuổi, họ vẫn có thể nghỉ để chờ hưu và hưởng chính sách theo quy định hiện hành.

Như vậy, người lao động cứ phải đủ tuổi, đủ năm đóng BHXH thì mới được nghỉ hưu. Đối với công nhân, vấn đề này được đặc biệt quan tâm.

Danh mục những ngành nghề được nghỉ hưu sớm

Chính phủ sẽ rà soát lại toàn bộ những ngành nghề, những lĩnh vực, những công việc nặng nhọc, độc hại để ban hành kèm theo Bộ luật Lao động. Khi ban hành Bộ luật là sẽ có danh sách ngay.

Ví dụ về khai thác than, hầm lò có 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn đã được quy định. Đối với lực lượng lao động trình độ cao, những ngành nghề đặc biệt như: Tòa án, kiểm sát hay các giáo sư, phó giáo sư, những nhà khoa học giỏi thì được khuyến khích làm việc suốt đời.

Trong vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải phân biệt “tuổi nghề” với “tuổi hưu”.

Tuổi hưu là những quy định để người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách của Nhà nước, hưởng BHXH. Còn tuổi nghề thì có nghề làm trong thời gian ngắn, có nghề làm dài.

Như vậy, cần hiểu một cách đầy đủ về sự cần thiết của việc tăng tuổi nghỉ hưu. Đến lúc này không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Về điều này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một điểm rất đáng chú ý là "quyền được kéo dài 5 năm hoặc giảm 5 năm".

“Điều này sẽ dẫn đến câu hỏi là người lao động trong điều kiện nặng nhọc khi về hưu sớm liệu có được hưởng tối đa lương bình quân theo khung 75% không. Đương nhiên là Nhà nước phải tính đến điều đó. Dù anh lao động ít thời gian hơn các ngành nghề khác nhưng trong điều kiện độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ thì chế độ lương hưu cũng phải đảm bảo bù đắp”, ông Lợi cho biết.

Làm rõ hơn giữa “tuổi nghề” với “tuổi hưu”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nêu ví dụ, quy định nghỉ hưu 60 tuổi với nữ, và 62 tuổi với nam thì người lao động có thể nghỉ hưu bất cứ ở tuổi nào, nhưng để đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thì phải đến 60 hoặc 62.

“Còn về tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu sẽ được quy định chi tiết hơn tại Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ sửa đổi một số điều vào năm 2020 để phù hợp với Luật Lao động (sửa đổi)”, ông Diệp cho biết.

Thành Công

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm