Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 25/10/2017 - 16:39
(Thanh tra) - Nhiều địa phương can thiệp hành chính, vi phạm Luật Cạnh tranh như vụ Hà Tĩnh có công văn yêu cầu dùng bia Sài Gòn. Hay như câu chuyện một bát mì tôm ở sân bay trị giá 260 nghìn đồng mà chưa có chế tài pháp luật xử lý hiệu quả. Bằng Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ báo cáo tờ trình trước Quốc hội ngày 23/10, những câu chuyện bi hài trên sẽ không còn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày tờ trình sửa đổi Luật Cạnh tranh trước Quốc hội. Ảnh: BM
Sẽ không còn mì tôm giá khủng, chính quyền chỉ đạo uống bia
Chuyện bát mì tôm giá khủng 260 nghìn đồng từng được đưa ra bàn thảo tại nghị trường Quốc hội đã làm nóng dư luận. Ngay sau đó, tại các sân bay, người ta còn dành hẳn một tấm biển ghi rõ, mức giá cho bát mì tôm là 1,5 USD (tức là hơn 30.000 đồng), hoặc thậm chí có nơi còn có mức giá 1 USD (hơn 20.000 đồng). Từ mức giá "chặt, chém", giá của bát mì tôm đã được định vị. Song nhiều mặt hàng khác như nước uống, bánh mì, bún, phở… vẫn có giá "sân bay" lên tới hàng trăm nghìn đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đặt câu hỏi: "Bát mì tôm chúng ta định giá làm gì?". Vấn đề không phải là Nhà nước quản lý định giá bát mì hay tô phở, mà quan trọng là cơ quan Nhà nước quản lý như thế nào để "chấn chỉnh" lại tình trạng này?
Còn với sự việc tỉnh Hà Tĩnh có công văn yêu cầu mua bia của một hãng cụ thể, ông Trần Tuấn Anh khi trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên cạnh tranh và đảm bảo môi trường cạnh tranh là một trong những nguyên tắc rất quan trọng, là động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bộ Công Thương sau đó đã yêu cầu ngành Công thương Hà Tĩnh báo cáo về sự việc và có chấn chỉnh.
Để giải quyết tận gốc những bất cập trên, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Bởi lẽ, đây là đạo luật có nhiều ảnh hưởng thiết thân đến cuộc sống của người dân nhưng sau 12 năm ra đời, nó đã bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh.
Và một trong rất nhiều điểm tiến bộ của Dự thảo Luật được báo cáo tại Quốc hội ngày 23/10, có việc ngăn chặn, xử lý hành vi phản cạnh tranh lành mạnh của mọi cá nhân, tổ chức, kể cả các hiệp hội hay cơ quan quản lý Nhà nước.
Đề xuất thành lập cơ quan cạnh tranh quốc gia
Theo Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội trong phiên họp chiều 23/10, Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh bao gồm: Tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và lợi ích người tiêu dùng; Nhà nước thực hiện kiểm soát và xử lý đối với các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh.
Thị trường bán lẻ ngày càng khởi sắc khi được bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ảnh minh họa
Cơ quan Nhà nước cũng bị xử lý nếu phạm luật
Theo Dự thảo Luật, cơ quan Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: Yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cụ thể hoặc với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; thực hiện các hành vi khác gây tác động hạn chế cạnh tranh hoặc có tính chất cản trở doanh nghiệp thực hiện những hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Trường hợp cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan cạnh tranh quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước đó chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.
Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từng nêu quan điểm: “Cạnh tranh là đức hạnh của thị trường, nhờ đó mà nền kinh tế được điều chỉnh phù hợp”.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng cũng đề ra giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh với những tư duy đột phá, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường như trên hi vọng sẽ tạo thêm động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Ban Mai
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/1/2025, theo Thông tư số 59/2024 ngày 7/11/2024 của Bộ Công an, sẽ tiến hành thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
PV
15:40 13/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân