Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện hơn 1 nghìn văn bản có dấu hiệu vi phạm

Thứ sáu, 08/01/2016 - 14:12

(Thanh tra) - Kiểm tra trên 42.300 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong năm 2015, bước đầu phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực

Sáng ngày 8/1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015; định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016.

Nợ đọng văn bản pháp luật thấp nhất từ trước đến nay

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, với con số khá ấn tượng 101 bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình/119 bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIII, cùng với khối lượng đồ sộ công việc thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về hệ thống pháp luật của đất nước.

Năm 2015, toàn ngành Tư pháp đã thẩm định 9.529 văn bản (tăng 230 văn bản so với năm 2014); kiểm tra trên 42.300 VBQPPL, bước đầu phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có chuyển biến tích cực. Năm 2015 chỉ còn nợ 4 nghị định, thấp nhất từ trước đến nay

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn xã hội. Các Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hoá thêm 98 TTHC, đạt tỷ lệ 94,9%. Việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát TTHC cũng đã có sự gắn kết chặt chẽ, phát huy hiệu quả tích cực. 

“Đây chính là những bước đi vững chắc, tạo tiền đề cho việc chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

4 triệu quyết định xử phạt với hơn 7.300 tỷ đồng

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tháo gỡ một phần vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Công tác thống kê về xử lý vi phạm hành chính bước đầu đi vào nề nếp. Trong năm 2015 có gần 9,5 triệu vụ vi phạm hành chính bị phát hiện, đã ra khoảng 4 triệu quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 7.300 tỷ đồng. 

Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ tới của ngành Tư pháp là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật

Kết quả thi hành án dân sự (THADS) về việc và về tiền tiếp tục đạt cao. Theo đó, về việc, giải quyết xong trên 530.000, đạt tỷ lệ trên 89%; về tiền, giải quyết xong trên 42.000 tỷ, đạt tỷ lệ 76%. Việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng được chú trọng. 

Công tác tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc, khó khăn của địa phương trong lĩnh vực nuôi con nuôi được quan tâm, hướng dẫn kịp thời.Năm 2015, ước tính đã giải quyết đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho trên 2.700 trường hợp và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho trên 500 trường hợp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, vẫn có những hạn chế trong nhiều năm liền, kể cả từ nhiệm kỳ trước chưa được khắc phục hiệu quả. 

“Chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, một số VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu ổn định… TTHC trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng vi phạm trong công tác THADS còn nhiều”, ông Tụng cho biết.

Khắc phục tình trạng pháp luật khó đi vào cuộc sống 

Ghi nhận kết quả công tác tư pháp đã góp phần ngày càng tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thời gian tới cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát TTCH để khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác THADS  này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong  THADS. “Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác này, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp. 

Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển về số lượng cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên và các tổ chức hành nghề, bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với yêu cầu và bước phát triển mới của thực tiễn.

Bài, ảnh: Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm