Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Thị Huế, Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Bắc Ninh
Thứ tư, 13/10/2021 - 16:04
(Thanh tra) - Ngày 20/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), xác định chuyển đổi vị trí công tác (VTCT) là một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng có nhiều ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên thực tế tại Bắc Ninh cho thấy, việc chuyển đổi VTCT gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả.
Ảnh minh họa: Internet
Những vấn đề đặt ra
Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi hàng năm và tích cực tổ chức triển khai thực hiện, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng, cán bộ, công chức thuộc diện chuyển đổi phát huy tính năng động, sáng tạo, nắm bắt được địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Riêng năm 2019, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi 78 VTCT, các vị trí thực hiện việc chuyển đổi đảm bảo đúng quy định, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, dân chủ, không mất đoàn kết. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi đã chú ý đến cơ cấu chuyển đổi, năng lực công tác của người được chuyển đổi, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng nên không trường hợp chuyển đổi nào chống đối hoặc có khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn thực hiện chuyển đổi VTCT.
Thứ nhất, một số đối tượng, ngành nghề phải chuyển đổi VTCT không phù hợp với mục đích nhằm PCTN.
Về mặt lý thuyết, đối tượng phải chuyển đổi VTCT theo quy định là cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng họ là người được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Quyền hạn ở đây được hiểu là công chức có quyền quyết định, quyền yêu cầu đối tượng bị quản lý phải chấp hành pháp luật; quyền tiếp nhận và giải quyết những công việc của người dân và doanh nghiệp, quyền giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công dân… Họ là những người được giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp... Đây được xác định là những lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ tham nhũng cao và công chức có nhiều cơ hội tham nhũng khi làm việc ở đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện và xử lý tham nhũng trong những năm qua cho thấy, những vụ án tham nhũng xảy ra đều do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện còn công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ yếu thực hiện hành vi “tham nhũng vặt”. Những nhiệm vụ, quyền hạn công chức không giữ chức vụ được giao không mang tính quyết định, không trực tiếp làm thay đổi, tác động đến đối tượng quản lý, do vậy, họ muốn thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực thì phải có sự câu kết, móc ngoặc với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để thực hiện.
Như vậy, việc chuyển đổi VTCT đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhằm PCTN trong một số ngành, lĩnh vực liệu có phải là giải pháp khả thi không khi chính họ không phải là người có nhiều cơ hội thực hiện hành vi tham nhũng, trong khi đó những người có khả năng và cơ hội tham nhũng (cán bộ lãnh đạo quản lý) lại không phải là đối tượng bị chuyển đổi VTCT mà áp dụng cơ chế luân chuyển cán bộ.
Thứ hai, chưa có chính sách ban hành cùng với việc thực hiện chuyển đổi VTCT.
Trên thực tế, khi thực hiện chủ trương chuyển đổi VTCT, nhiều đối tượng phải đi làm xa nhà, xa gia đình nên cuộc sống khó khăn hơn. Ví dụ: Qua nắm bắt tình hình và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Nội vụ tại huyện Yên Phong nhận thấy, năm 2020, UBND huyện Yên Phong là đơn vị thực hiện rất quyết liệt việc chuyển đổi VTCT đối với kế toán các trường học trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch trong thực tế gặp khá nhiều khó khăn, do khi thực hiện chuyển đổi cán bộ phải đi làm xa, xa gia đình, nhiều đối tượng thuộc diện chuyển đổi nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ già, con nhỏ… Chính vì vậy, ngoài việc rút ngắn danh mục VTCT thì Nhà nước cần phải có chính sách đối với người thuộc diện chuyển đổi như: Nhà ở công vụ, phụ cấp đi lại, nâng bậc lương trước thời hạn, hoặc có cam kết khi hết thời hạn chuyển đổi thì được trở lại đơn vị cũ làm việc...
Thứ ba, thực hiện chuyển đổi VTCT phải giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu chuyển đổi với việc đảm bảo tính chuyên sâu, trình độ chuyên môn cao trong một số ngành, lĩnh vực.
Ví dụ, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kế toán… đòi hỏi ngoài trình độ chuyên môn chuyên sâu còn cần kinh nghiệm công tác. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi VTCT đối với nhóm đối tượng này thì vấn đề tìm được cán bộ phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ thay thế là rất khó khăn, bởi hoạt động nghề nghiệp của họ không chỉ làm việc theo quy trình hành chính đơn thuần mà đòi hỏi phải qua đào tạo chuyên sâu, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn mới đảm đương được nhiệm vụ.
Chưa kể đến, việc công chức được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên họ phải trải qua thời gian đào tạo để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chức trách, nhiệm vụ, năng lực, yêu cầu về trình độ, thâm niên công tác rất khắt khe.
Đối với ngạch thanh tra viên, một trong các tiêu chuẩn đó là “có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên, có thời gian ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra, không kể thời gian tập sự, thử việc”. Đối với ngạch thanh tra viên chính là: “Có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính; có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên và tương đương tối thiểu là 9 năm…”.
Thứ tư, việc tổ chức thực hiện chuyển đổi VTCT tại nhiều nơi chưa nghiêm túc, mang tính đối phó.
Trên thực tế, ở nhiều cơ quan vẫn còn có hiện tượng triển khai mang tính đối phó, chưa có kế hoạch thực hiện thường xuyên, kế hoạch không xác định rõ đối tượng đến kỳ phải chuyển đổi; nhận thức về ý nghĩa cũng như phương pháp, cách làm còn thiếu nhất quán, chưa đúng theo tinh thần của Nghị định.
Nhiều đơn vị chưa xây dựng danh mục cụ thể và kế hoạch chuyển đổi VTCT của cơ quan mình, nên thực hiện chậm, số lượng được chuyển đổi không nhiều, thậm chí không thực hiện chuyển đổi. Thực tế, cán bộ làm việc ở những lĩnh vực dính dáng đến nhiều quyền lợi thường có tâm lý ngại luân chuyển. Bản thân người đứng đầu đơn vị khi xây dựng kế hoạch luân chuyển ở đơn vị mình lại có thái độ né tránh do ngại đụng chạm đến quyền lợi cấp dưới hoặc đã có sự câu kết, liên minh trong làm ăn giữa lãnh đạo với cán bộ thuộc diện chuyển đổi dẫn đến thiếu khách quan khi tổ chức thực hiện.
Một số đề xuất
Để góp phần đưa Luật PCTN vào cuộc sống với giải pháp thực hiện chuyển đổi VTCT, cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi VTCT.
Trước tiên, cần rà soát lại danh mục lĩnh vực, ngành nghề phải chuyển đổi VTCT tại nghị định theo hướng loại bỏ một số ngành nghề không còn phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính tập trung trong quá trình thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở danh mục ngành nghề phải chuyển đổi xác định lại trọng tâm các VTCT phải chuyển đổi theo hướng chỉ quy định những đối tượng là công chức có chức vụ, quyền hạn được pháp luật quy định cụ thể, trực tiếp đối với họ và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đối với đối tượng là công chức không được pháp luật trao quyền cụ thể thì không cần thiết phải chuyển đổi, tránh gây xáo trộn lớn trong cơ quan, đơn vị. Ví dụ, đối với công chức làm công tác quản lý tài chính, tài sản Nhà nước thì cần xác định rõ từng vị trí cụ thể, trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cụ thể, không nên quy định theo hướng cào bằng.
Thứ hai, đổi mới phương thức thực hiện chuyển đổi VTCT.
Cần gắn việc chuyển đổi VTCT với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ thuộc diện chuyển đổi VTCT ngoài việc có cơ hội tiếp xúc với công việc mới, địa bàn mới cũng là điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đó trưởng thành hơn, chứ không chỉ quan niệm đơn thuần là chuyển đổi VTCT nhằm PCTN, coi họ là tác nhân của tham nhũng, tiêu cực.
Công tác cán bộ là công tác của Đảng, nếu cán bộ thuộc diện chuyển đổi đang được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị song phải chuyển đổi sang cơ quan, đơn vị khác thì cấp ủy Đảng, chính quyền tại cơ quan, đơn vị đó có tiếp tục thực hiện việc quy hoạch cán bộ đó không? Có tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ thuộc diện phải chuyển đổi không? Nếu không thực hiện được yêu cầu này thì rất khó để thực hiện trên thực tế.
Vì vậy, việc chuyển đổi VTCT phải kết hợp với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đối với những ngành, lĩnh vực không thuộc ngành dọc thì việc chuyển đổi VTCT còn thuộc trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong khâu tổ chức thực hiện, có như vậy mới tạo sự yên tâm công tác cho cán bộ, công chức thuộc diện chuyển đổi, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi VTCT tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị để việc thực hiện không bị lợi dụng, gây xáo trộn nội bộ, gây tâm lý hoang mang trong cán bộ.
Thực tế cho thấy, có hiện tượng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã lợi dụng chính sách chuyển đổi VTCT để phục vụ mục đích cá nhân của mình, thực hiện chuyển đổi cán bộ đang làm những công việc tốt, có thu nhập cao sang vị trí khác để đưa cán bộ thân tín, người nhà của mình vào những vị trí đó, chuyển đổi do trù dập…
Các cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá lại toàn bộ chính sách chuyển đổi VTCT với tác dụng của việc thực hiện giải pháp này nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Theo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN thì chuyển đổi VTCT được xác định là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, các cơ quan (Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ) cần tính toán lại việc xây dựng giải pháp này trên thực tế, có tính toán đến những yếu tố tác động xảy ra trên thực tế, nguồn lực thực hiện và kết quả dự kiến đạt được không.
Thứ ba, ban hành chính sách đãi ngộ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù phải chuyển đổi VTCT như vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, cán bộ khi chuyển đổi địa bàn xa hơn địa bàn làm việc cũ… như: nhà ở công vụ, phụ cấp đi lại, nâng bậc lương trước thời hạn, hoặc có cam kết khi hết thời hạn chuyển đổi thì được trở lại đơn vị cũ làm việc.
Ngoài chính sách hỗ trợ về vật chất, cần có chính sách về công tác cán bộ, đó là cam kết nhận lại đơn vị cũ khi hết thời hạn chuyển đổi. Tuy nhiên, nội dung này lại không được đề cập trong luật cũng như các Văn bản hướng dẫn, do vậy, rất khó cho các địa phương để thực hiện trong thực tế.
Có thể nói, việc chuyển đổi VTCT là một trong những giải pháp PCTN có nhiều ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên trên thực tế triển khai lại có nhiều khó khăn. Hiện nay, các đơn vị chủ yếu chỉ xây dựng kế hoạch chuyển đổi còn việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi trong thực tế lại chưa sát sao, còn lẫn lộn giữa đối tượng chuyển đổi với công tác luân chuyển cán bộ.
Do vậy, để chuyển đổi VTCT thực sự trở thành một trong các giải pháp PCTN trong thời gian tới, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương; đồng thời, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi VTCT trong thực tế thực sự có hiệu quả.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.
Thái Hải
12:16 12/12/2024(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).
Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
13:49 10/12/2024Trần Quý
11:39 10/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh