Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều ý kiến trái chiều

Thứ hai, 19/05/2014 - 21:29

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo lần 2) vừa được công bố đang kỳ vọng tạo một sân chơi bình đẳng, công bằng và minh bạch với tất cả các loại hình doanh nghiệp (DN). Dự thảo đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp rộng rãi và vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Nên có Luật riêng cho DNNN hay một Chương trong Luật DN?. Ảnh: TQ

Luật DN sửa đổi đưa ra định hướng: Tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần của Luật DN 2005; tiếp tục mục tiêu Luật DN 2005 đã đề ra nhưng chưa đạt được; bãi bỏ, sửa đổi các nội dung quy định hiện hành không còn phù hợp hoặc không còn hợp lý so với sự phát triển kinh tế xã hội, thông lệ quốc tế và bổ sung, điều chỉnh một số vấn đề thực tiễn mới xuất hiện.

Luật DN sửa đổi đưa ra một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, mới, được đông đảo giới DN quan tâm như: Bổ sung thêm Chương doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); Ngành nghề kinh doanh; Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài; Cơ chế bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số hiện nay; Tổ chức lại, giải thể DN…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), Chương riêng về DNNN được xây dựng, nhằm khắc phục sự trì trệ, yếu kém của các đầu tàu kinh tế Nhà nước. Dự thảo nêu rõ DNNN được thành lập và chỉ tập trung hoạt động trong các ngành, nghề chính gồm: Công nghiệp quốc phòng; Các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên; Các ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; Một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Để tránh hậu quả từ việc làm ăn thua lỗ của nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty như thời gian vừa qua, một điều kiện quan trọng được đưa vào Dự thảo là DNNN hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các DN khác. Đặc biệt, phải kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải ban hành thêm Chương này bởi Luật DN quy định về loại hình pháp lý của DN, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do đó, nếu đưa thêm một Chương về DNNN sẽ làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật DN; còn những đặc thù của DNNN nên quy định tại Luật về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại DN. 

“Xét về hình thức thì có một Chương riêng về DNNN có vẻ không hợp lý đối với vai trò, chức năng và kết cấu truyền thống của Luật DN. Đồng thời chính điều này cũng tạo nên một sự bất bình đẳng đối với các loại hình DN khác trong việc quản lý và điều hành” - Th.S Nguyễn Việt Khoa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng nên xây dựng riêng một Luật DNNN. Một Luật DNNN thống nhất sẽ là cách thức không thể tốt hơn để quản lý một cách hệ thống, tập trung, thống nhất, minh bạch đối với DNNN; Xử lý rốt ráo các bất cập hiện nay về quản lý DNNN do có quá nhiều các văn bản, ở nhiều cấp độ, với giá trị pháp lý khác nhau và nội dung nhiều chỗ mâu thuẩn nhau. “Trường hợp không thể thực hiện một Luật DNNN thống nhất thì Luật DN sửa đổi có một Chương riêng về quản trị đối với DNNN là cần thiết” - ông Tuấn kiến nghị.

Việc Dự thảo lần này kiến nghị bãi bỏ việc bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh cũng đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN. Tinh thần của luật mới là muốn kinh doanh cứ việc đăng ký, còn uy tín của DN làm được hay không là do thị trường quyết định thông qua vốn, nhà đầu tư, chủ đầu tư chứ không phải Nhà nước. Trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh được đơn giản hóa đến mức tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc đăng ký kinh doanh. 

Theo Th.S. Nguyễn Việt Khoa, đây là bước tiến lớn trong sửa đổi Luật DN bởi lẽ việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đem lại nhiều rủi ro cho DN. Rủi ro thứ nhất là DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Rủi ro tiếp thuộc về phía đối tác, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà DN không đăng ký kinh doanh thì rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, trong thực tế triển khai nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn tới việc DN phải xin ý kiến Bộ, ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên “thả nổi” việc đăng ký ngành nghề kinh doanh như vậy vì khó cho việc quản lý. Ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng Giám Cty TNHH KPMG kiến nghị nên giữ nguyên việc ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN. Theo ông Ái, nếu bỏ bắt buộc đăng ký ngành nghề thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi” vì hiện nay việc quản lý còn nhiều yếu kém, trong lúc ý thức “tự giác” của một số DN chưa cao.

Theo Luật sư Phạm Thanh Sơn – Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội, xét dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc áp dụng mã ngành nghề kinh doanh của DN sẽ đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh của DN.

Các lĩnh vực: Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài; Cơ chế bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số hiện nay; Tổ chức lại, giải thể DN…cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều.

 Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm