Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo

Thái Hải

Thứ năm, 15/09/2022 - 18:00

(Thanh tra) - Ngày 15/9, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo vệ việc làm của người tố cáo - Quy định pháp luật và thực tiễn”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

Bảo vệ việc làm của người TC chưa được quan tâm đúng mức

Tố cáo (TC) là quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và được quy định cụ thể trong Luật TC và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bản chất của việc TC là lên án các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân mà hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó, người TC muốn đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người bị TC. Cũng vì thế, người TC có nguy cơ bị đe dọa, trả thù bởi người bị TC là rất cao, do đó, việc bảo vệ người TC là cần thiết.

Vấn đề đặt ra là: Việc bảo vệ việc làm cho người TC là cán bộ, công chức và người làm việc theo hợp đồng lao động như thế nào? Bởi lẽ, đây là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, họ làm việc với người sử dụng lao động dựa trên sự thỏa thuận về tiền lương, tiền công, điều kiện làm việc và công việc cụ thể, họ dễ đứng trước nguy cơ mất việc làm hoặc không được tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển bản thân nếu đứng ra TC...

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, quy định pháp luật về bảo vệ việc làm của người TC làm việc theo hợp đồng lao động còn những vướng mắc trong cả quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện.

Về mặt pháp lý, việc bảo vệ việc làm của người TC là lao động hợp đồng còn có những bất cập về căn cứ bảo vệ, trình tự thủ tục bảo vệ, nội dung, biện pháp bảo vệ, thẩm quyền bảo vệ, cơ chế phối hợp trong việc bảo vệ...

Về mặt thực tiễn, việc người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đứng ra TC hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, mặc dù đã có quy định về bảo vệ việc làm cho nhóm người TC làm việc theo hợp đồng lao động, nhưng việc người TC bị mất việc làm, giảm thu nhập... vẫn diễn ra khá phổ biến mà việc bảo vệ việc làm của họ lại chưa được quan tâm đúng mức...

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong vấn đề bảo vệ việc làm chưa được bảo đảm thực hiện, nhiều người lao động đứng ra TC và bị trù dập, ảnh hưởng đến việc làm nhưng chỉ được bảo vệ khi có sự vào cuộc của báo chí; tổ chức đại diện người lao động, công đoàn là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa phát huy vai trò trong bảo vệ người TC là lao động hợp đồng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người TC nói chung và người TC là lao động hợp đồng nói riêng chưa cụ thể; vấn đề hình thức hợp đồng lao động thoả thuận bằng lời nói khó có căn cứ để bảo vệ việc làm của người lao động khi đứng ra TC... Do đó, việc bảo vệ người TC là lao động hợp đồng là vấn đề cần thiết.

Không được sa thải, cắt giảm lương, thu nhập trong thời gian TC

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc bảo vệ việc làm của chính người TC là lao động hợp đồng gặp nhiều khó khăn do cơ chế bảo vệ còn bất cập.

Mặt khác, căn cứ bảo vệ người TC là hợp đồng lao động cũng rất khó khăn, mặc dù khoản 2, Điều 47 Luật TC đã quy định, nhưng thực tế sau TC họ xin nghỉ việc hoặc chuyển cơ quan khác nên việc xác định căn cứ để bảo vệ rất khó.

Mặt khác, khi người TC muốn được bảo vệ việc làm thì họ rất khó để thực hiện. Trong một số trường hợp, người giải quyết tố cáo vừa là người có trách nhiệm bảo vệ, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, vừa là người sử dụng lao động... tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có vụ nào giải quyết việc bảo vệ việc làm của người TC.

Từ thực tế trên, đặt ra nhu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ người TC nói chung và bảo vệ việc làm của người TC làm việc theo hợp đồng lao động nói riêng.

Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể về việc bảo vệ việc làm của nhân thân người TC là lao động hợp đồng để đảm bảo quy định mang tính khả thi trên thực tiễn.

Quy định rõ thêm căn cứ bảo vệ việc làm của người TC nói chung và người TC là lao động hợp đồng nói riêng, trong đó, có quy định cụ thể hơn về: Căn cứ bảo vệ việc làm với người lao động khi thoả thuận bằng lời nói, để thống nhất áp dụng giữa Luật TC và Luật Lao động; căn cứ bảo vệ việc làm của thân nhân người TC... để đảm bảo tính thống nhất và khả thi trong thực hiện pháp luật về bảo vệ người TC.

Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền áp dụng bảo vệ người TC trong trường hợp người giải quyết TC vừa là người có trách nhiệm bảo vệ, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, vừa là người sử dụng lao động, người có quyền sa thải lao động, để đảm bảo tính khách quan trong bảo vệ việc làm của người TC là lao động hợp đồng.

Bổ sung biện pháp bảo vệ việc làm của người TC là lao động hợp đồng để đảm bảo tính đầy đủ, khả thi; việc bảo vệ việc làm của người TC nên được thực hiện ngay từ khi tham gia vào quá trình TC, với quy định về việc không được sa thải, cho nghỉ việc hoặc không cắt giảm lương, thu nhập trong thời gian tham gia vào quá trình TC, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực TC.

Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ việc làm của người TC cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bổ sung, sửa đổi Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH theo hướng: Bổ sung nội dung bảo vệ; cần có hướng dẫn cụ thể hơn với đối tượng được bảo vệ việc làm là người thân thích của người TC; cần có quy định thêm về biện pháp bảo vệ...

Ông Dương Văn Huế, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đồng quan điểm cho rằng, bảo vệ việc làm của người TC là quá khó. Chỉ có TC trong cơ quan Nhà nước thì còn có công việc để làm, trong khi đó, trong các doanh nghiệp tư nhân thì công đoàn không có tiếng nói, do đó nếu đã TC thì xác định là nghỉ việc, trừ trường hợp TC dẫn đến truy cứu hình sự thì doanh nghiệp cũng không hoạt động được nếu bị thu giấy phép, còn nếu một người nào đó bị bắt dẫn đến ảnh hưởng hoạt động công ty, lúc đó công ty không hoạt động tốt thì cũng không có việc làm để bảo vệ.

Theo ông Huế, hiện nay chúng ta chỉ có thể bảo vệ việc làm của người TC trong cơ quan Nhà nước, do đó, trong lĩnh vực tư nhân thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có vai trò quan trọng xác định thỏa ước lao động, khi cấp giấy phép phải quy định để bảo vệ người lao động, đặc biệt là việc làm của người TC.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm