Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Mượn” và “trả” hồ sơ gốc về đất đai

Thứ ba, 16/12/2014 - 08:11

(Thanh tra)- Tôi có 3 sào đất hoa màu là tài sản thừa kế theo di chúc của mẹ tôi để lại cho tôi được toàn quyền định đoạt. Năm 1986, gia đình tôi bị một số người lấn chiếm đất làm quán bán hàng. Tôi đã kiện lên UBND tỉnh Tuyên Quang; UBND tỉnh yêu cầu tôi nộp hồ sơ gốc để giải quyết tranh chấp. Mẹ tôi và tôi lên nộp cho UBND vào sáng ngày 15/11/1991 tại UBND tỉnh.

Có được hồ sơ gốc của gia đình tôi, UBND tỉnh Tuyên Quang thành lập đoàn thanh tra liên ngành, kết luận những người này lấn chiếm đất hủy hoại hoa màu của tôi. Thành phố Tuyên Quang ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ quán của những người lấn chiếm đất; có hộ bị tới hàng chục lần cưỡng chế, tháo dỡ nhưng vẫn ngang nhiên lấn chiếm. Sau khi UBND tỉnh ký nhận hồ sơ gốc đất là tài sản thừa kế của tôi từ ngày 15/11/1991 đến nay, rất nhiều đơn của tôi đề nghị cơ quan này trả lại nhưng tôi không nhận được hồi âm. Vì lẽ đó, vườn cây trên đất thừa kế của tôi đang trồng cấy không được cấp quyền sử dụng đất.

Bây giờ tôi phải làm như thế nào để được nhận lại hồ sơ đất gốc là tài sản thừa kế của tôi?

(Nguyễn Thị Kim Oanh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Ý kiến của chúng tôi

1. Hồ sơ gốc về quyền sử dụng đất của gia đình bà Oanh mà UBND tỉnh Tuyên Quang  giữ (có biên nhận) là những “giấy tờ có giá”. Đã ký “mượn” thì đương nhiên phải có nghĩa vụ “trả” và đây là những hành vi chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, cho dù UBND tỉnh là cơ quan hành chính Nhà nước. Hơn mười năm qua UBND tỉnh không trả hồ sơ gốc về đất đai cho bà Oanh, lại cũng không “hồi âm” là vi phạm các nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự quy định tại Điều 283 Bộ luật Dân sự (“trung thực”, “hợp tác”, “đúng cam kết”, “không trái pháp luật”, “không trái đạo đức xã hội”). Vì vậy, tỉnh nên có giải pháp khắc phục thiết thực để người dân đỡ khổ.

2. Sự việc UBND tỉnh Tuyên Quang “mượn” nhưng không “trả” hồ sơ gốc về đất đai cho gia đình bà Oanh theo cam kết (hoặc hợp đồng) là giao dịch mang tính dân sự nhưng có liên quan lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, trong đó, chính quyền tỉnh (UBND), theo luật, là “bên mạnh thế”, còn bà Oanh (người dân xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất) là “bên yếu thế”. Thiết nghĩ, trong quá trình áp dụng pháp luật giải quyết vụ này, cơ quan Nhà nước có thẩm nên tham khảo, vận dụng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế” (khoản 8, Điều 409 Bộ luật Dân sự).

3. Năm 1991, có được hồ sơ gốc về đất đai của gia đình bà Oanh, UBND tỉnh Tuyên Quang mới có cơ sở để kết luận và xử lý việc các hộ Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tiến Sơn lấn chiếm đất, hủy hoại hoa màu của gia đình bà.

Nay bà Oanh đòi lại hồ sơ gốc để xin cấp quyền sử dụng đất: Xét về cả pháp lý và đạo lý, không có cơ sở để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ chối việc này với lý do rất khó thuyết phục: Bà Oanh “không còn hồ sơ gốc” (mà hồ sơ gốc lại do chính UBND tỉnh giữ của gia đình bà, có thể đã bị mất hay thất lạc, tức là cái sai hoàn toàn thuộc về bên “mạnh thế” trong khi bà Oanh là người “yếu thế”).

Nếu còn “lúng túng” trong việc giải quyết, UBND tỉnh Tuyên Quang có thể gửi công văn xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm