Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 10/03/2015 - 16:45
(Thanh tra)- Các chuyên gia pháp lý cho rằng, để bảo đảm “tuổi thọ” cho các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) buộc phải “đưa cuộc sống vào pháp luật để pháp luật đi vào cuộc sống”. Muốn vậy, cần phải “mở hết cửa” để người dân thực sự tham gia xây dựng văn bản luật…
Những quy định “tự” đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề như: Biểu diễn ca Huế không những không phù hợp với quy định của pháp luật mà còn tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Ảnh: Hồng Hà
Chưa “ráo mực” nhiều văn bản đã “chết yểu”
Mỗi năm, số lượng VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời lại tăng. Nhiều quy định được ban hành vội vàng, gây “sốc” như: Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học; phải bán thịt trong vòng 8 tiếng; bảo đảm nhiệt độ trong hàng bia dưới 30 độ C… khiến dư luận “dậy sóng” buộc phải “trảm” hoặc phải lập tức phải sửa đổi ngay khi chưa ráo mực.
Theo kết quả kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương, chỉ tính 10 tháng đầu năm 2014, bước đầu phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%, tăng 2,62% so với năm 2013), trong đó có 1.554 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.
Mới đây, Bộ Tư pháp lại đưa ra thông tin gây “choáng” khi dẫn chứng các nghề như: Biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy... được các tỉnh (Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An) tự đặt điều kiện kinh doanh.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, nguyên nhân là do việc xây dựng VBQPPL gần như “khép kín” trong nội bộ ban soạn thảo. Cơ chế tiền kiểm hiệu quả đối với thông tư, thông tư liên tịch lại chưa có, trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, “bên nọ “nhìn” bên kia” hoặc chỉ chú trọng đến “lợi ích ngành” nên để lọt nội dung thiếu tính khả thi so với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Thậm chí, nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo còn “quên” lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản hoặc chỉ “treo” trên cổng thông tin để lấy ý kiến kiểu… “cho có”, chưa minh bạch, hình thức như nhận định của ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng.
Thực tế đó chứng minh, thiếu quan tâm đầy đủ đến việc tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có trong soạn thảo, thi hành VBPL như vậy. “Nếu không có đóng góp của nhân dân, không có sự đóng góp của cán bộ địa phương thì vẫn còn tình trạng pháp luật trên trời”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nói.
Không để ý kiến góp ý “lọt thỏm” mất dạng
Một quá trình lập pháp “mở” sẽ là cơ hội để xã hội dân sự phát triển. Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật cũng là một môi trường tốt để phát huy dân chủ trong nhân dân, tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong nhận thức của mỗi công dân. Kết quả khảo sát cho thấy, 54,5% số người được hỏi đề nghị phải thay đổi việc lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động đối với VBPL do cơ quan Trung ương ban hành. Ở cấp địa phương, con số này là 62,5%.
Dự thảo Luật Ban hành VBPL đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo trong quá trình soạn thảo phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức liên quan; tổng hợp, tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến góp ý. Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, phải có bản tổng hợp và tiếp thu giải trình ý kiến góp ý; bản sao ý kiến góp ý (đối với hồ sơ trình thẩm tra).
Vấn đề đặt ra, làm thế nào để việc các ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng VBPL không bị “lọt thỏm” rồi… mất dạng. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ, nếu thiếu cơ chế bắt buộc phản hồi ý kiến góp ý vào dự thảo VBPL sẽ khiến người dân cảm thấy ý kiến của mình không được tôn trọng và không khuyến khích được người dân tham gia vào quá trình xây dựng VBPL.
Hơn nữa, nếu không có những chế tài cần thiết đối với người có trách nhiệm khi vi phạm qui trình, thời hạn lấy ý kiến thì khó bảo đảm việc lấy ý kiến không bị diễn ra một cách hình thức như đối với một số văn bản thời gian qua. “Cần xác lập kênh phản hồi sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng VBPL, từ việc góp ý kiến đến việc giám sát hoạt động xây dựng VBPL, thông qua hoạt động cụ thể của các đại biểu dân cử”, ông Phạm Bích San, chuyên gia tư vấn của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng cường toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ khuyến nghị.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia pháp lý thấy rằng, qui định về quyền tham gia của người dân thôi chưa đủ mà cần qui định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sự tham gia của người dân. Cùng với đó, cần qui định tăng cường khả năng tiếp cận thông tin để bảo đảm tính thực chất của việc người dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật.
Thảo Nguyên
Box ý kiến:
* Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Trong khi không thể thay đổi trong ngày 1, ngày 2 năng lực của đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật thì huy động trí tuệ của người dân, của doanh nghiệp để cùng với Nhà nước xây dựng pháp luật, tận dụng tai mắt của nhân dân, của doanh nghiệp để kiểm soát quá trình xây dựng pháp luật rõ ràng là một cách làm vô cùng hiệu quả và hợp lẽ… Nhưng cần xác định rõ các đầu mối, địa chỉ cho việc triển khai lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Cũng như quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan và cập nhật đến trước thời điểm ban hành văn bản của cơ quan soạn thảo khi lấy ý kiến nhân dân. Đặc biệt, phải công khai bản dự thảo cuối cùng để người dân, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không bị bất ngờ khi văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, chứa đựng những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó”.
* Bà Nguyễn Thị Huệ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần quy định về việc xác định các đối tượng điều chỉnh của văn bản và phải lấy ý kiến của đại diện các đối tượng đó một cách trực tiếp như gửi văn bản đến tổ chức đại diện cho đối tượng điều chỉnh, tránh việc lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của các Bộ như hiện nay rất hình thức và không hiệu quả. Đồng thời phải công khai toàn bộ các dự thảo và các văn bản liên quan từ khi đề xuất chính sách đến từng khâu trong quá trình ban hành văn bản, như lấy ý kiến đối tượng điều chỉnh, lấy ý kiến các cơ quan Nhà nước, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. Có như vậy người dân mới có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về dự kiến chính sách trước khi ban hành để góp ý kịp thời.
* Bà Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ: “Việc lấy ý kiến về dự thảo VBPL vừa qua còn mang tính hình thức nên cần qui định về lấy ý kiến là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo. Đồng thời cần bổ sung làm rõ quy định các hình thức, nội dung lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng để phù hợp với các đối tượng lấy ý kiến, cũng phù hợp với xu hướng và như cầu trao đổi thông tin hiện nay của người dân. Bên cạnh đó cũng cần có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lấy ý kiến, phải công khai ý kiến đóng góp với thời lượng cụ thể phù hợp và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp đó phải theo cơ chế công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần chú ý quy định rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, phải tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động khi dự thảo đã có những nội dung thay đổi lớn, có nhiều tác động đến đối tượng điều chỉnh”.
Hồng Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.
Thái Hải
12:16 12/12/2024(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).
Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
13:49 10/12/2024Trần Quý
11:39 10/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải