Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi nghị định và luật “đá” nhau

Thứ năm, 15/05/2014 - 07:09

(Thanh tra) - Những mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định xử lý hình sự đối với các tội phạm về buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm của nhiều cơ quan chức năng hiện nay đã dẫn tới "lỗ hổng" trong thực thi pháp luật. Điều này làm giảm tính răn đe của pháp luật, cũng như đẩy công cuộc bảo vệ động vật hoang dã vào đường gian truân.

Nếu không hoàn thiện chính sách pháp luật, chỉ từ 10 đến 20 năm nữa, sẽ có nhiều loại động vật hoang dã chỉ còn tồn tại trên sách vở

Ngày 11/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 157/2003/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lí, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2013. Nghị định 157 có một số điểm tích cực so với Nghị định 99/2009/NĐ-CP trước đây. Tuy nhiên, đáng tiếc là một số quy định của Nghị định 157 mâu thuẫn lớn với Bộ luật Hình sự (BLHS) và làm giảm mạnh tính răn đe đối với các vi phạm liên quan tới động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.


Một ví dụ sinh động minh chứng cho những mâu thuẫn trong cách áp dụng luật, được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đưa ra tại cuộc tọa đàm trao đổi: Về “lỗ hổng” trong văn bản pháp luật và chính sách bảo vệ động vật hoang dã khi Nghị định 157/2013/NĐ-CP được thực thi, vừa diễn ra như sau: Ngày 12/12/2013, một vụ việc vận chuyển trái phép một cá thể Voọc chà vá chân đỏ (nâu) - loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện và xử lý.


Tuy nhiên, đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng cho hành vi vận chuyển cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, thay vì phải xử lý hình sự!?


Theo các chuyên gia pháp lý, việc xử lý như trên là không phù hợp với quy định tại Điều 190 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) và các hướng dẫn có liên quan BLHS.


Bởi lẽ, theo các quy định này, hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép đối với sản phẩm, bộ phận của chúng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190 BLHS, bất kể khối lượng, số lượng hay giá trị tang vật của loài nhóm IB này.


Trên thực tế, thay vì áp dụng BLHS, các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đã áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.


Theo Nghị định 157, các hành vi vi phạm đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB và các sản phẩm, bộ phận của chúng chỉ bị xử lý hình sự nếu giá trị tang vật là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị trên 100 triệu đồng, riêng hành vi nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB chỉ bị xử lý hành chính, không có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi này. 


Theo bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Trên thực tế, rất nhiều loài động vật hoang dã ở Việt Nam hiện nay (được liệt kê trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP) được xem là nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp, thậm chí chỉ phân bố ở Việt Nam mà không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới như Sao La, Voọc mông trắng, Voọc mũi hếch và nhiều loài khác. Tuy nhiên, theo các quy định mới trong Nghị định 157 thì các vi phạm liên quan đối với các loài này hầu như sẽ không bị xử lý hình sự vì giá trị kinh tế của chúng không cao. Ví dụ, nếu sắn bắn 10 cá thể Voọc chà vá hay vài cá thể Sao La thì đối tượng vi phạm cũng sẽ không bị xử lý hình sự do tổng giá trị của chúng chưa đến 100 triệu đồng. Chính vì vậy, ENV vô cùng quan ngại về việc áp dụng Nghị định 157 như hiện nay, bởi lẽ với chế tài không đủ sức răn đe, Nghị định 157 đã vô tình gia tăng sức ép khai thác và săn bắn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên, như vậy sẽ càng làm gia tăng nguy cơ bị tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam”.


Quy định tại Nghị định 157 như trên rõ ràng đã mâu thuẫn nghiêm trọng với tinh thần Điều 190 BLHS. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.


Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cơ quan  thực thi pháp luật chỉ áp dụng xử lý hành chính theo Nghị định 157 mà không xem xét, xử lý hình sự đối với nhiều vi phạm liên quan tới các loài nguy cấp, quý hiếm. Điều này đã giảm đi ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Chính vì vậy, từ cuối tháng 2/2014, ENV đã có văn bản gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất việc đình chỉ ngay lập tức việc thực thi Nghị định 157 đối với các quy định liên quan đến động vật hoang dã và tiến hành sửa chữa để bảo đảm các quy định này phù hợp với các quy định của BLHS nói riêng và pháp luật Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã nói chung.

Dù vừa ra đời chưa lâu, song đến nay Nghị định 157 đã bộc lộc những bất cập, cần được sửa đổi để bảo đảm các văn bản pháp lý quy định về bảo vệ động vật hoang dã được thống nhất, tránh sự hiểu nhầm trong quá trình thực thi. Các vi phạm liên quan tới các loài nguy cấp, quý hiếm cần được xử lý hình sự như đã được quy định rõ trong BLHS. Có như vậy thì mới tạo tính răn đe đối với loại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, từ đó góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Bùi Thủy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm