Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm quy định ban hành từ “trên trời”

Thứ tư, 02/07/2014 - 16:40

(Thanh tra) - Việc người dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn hình thức, các cơ quan soạn thảo gần như “thụ động” chờ ý kiến, nhất là việc tiếp thu, phản hồi ý kiến góp ý đó chưa được chú trọng đúng mức… Điều này cần phải cải thiện để “pháp luật đi vào đời sống và đời sống hiện diện trong các qui định của pháp luật”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thảo Nguyên

Đó là quan điểm của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “Đối thoại minh bạch chính sách”, do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp Liên minh Hành động vì sự phát triển các tổ chức xã hội (CSA Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, hôm nay (2/7).

Theo qui định hiện hành, việc lấy ý kiến của người dân, tổ chức được thực hiện bằng nhiều cách, nhiều con đường, trong đó có việc đăng tải công khai dự thảo văn bản trên các trang thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước, tổ chức.

Song, khảo sát trang thông tin của một số bộ, ngành, có nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân thì số ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản rất khiêm tốn so với số người sẽ chịu sự điều chỉnh của văn bản sau khi được ban hành.

Ngay cả việc cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý đó như thế nào cũng không được thể hiện rõ ràng. Chính điều đó khiến người dân “không biết nói sẽ có ai nghe”, và hậu quả là có những văn bản quy phạm pháp luật "trên trời” điều chỉnh các quan hệ xã hội “dưới đất”, thậm chí không thể triển khai trong thực tiễn vì thiếu tính khả thi.

Chia sẻ tiến trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vai trò tham gia của các tổ chức xã hội, như Dự thảo Luật về Hội, Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đều cho rằng, “cần mở rộng các cơ hội tham gia của công chúng trong tiến trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để “pháp luật đi vào đời sống và đời sống hiện diện trong các qui định của pháp luật”.

Ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ, cho rằng, các tổ chức xã hội “là các tổ chức gần dân nhất nên hiểu nhất nhu cầu của người dân, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội”, khi tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách, pháp luật với những thông tin cần thiết sẽ giúp pháp luật, chính sách có hiệu quả thực tế hơn, bớt đi những qui định “áp đặt” từ các “phòng máy lạnh” đối với đời sống.

Để thúc đẩy việc lấy ý kiến cá nhân, tổ chức một cách thực chất hơn trong quá trình xây dựng pháp luật, các chuyên gia pháp lý hoan nghênh các qui định để tổ chức xã hội đem được tiếng nói của người dân vào tiến trình xây dựng chính sách, pháp luật, để không còn cảnh văn bản luật vừa mới ban hành đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ hay “chết yểu”.

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp lưu ý, khi việc lấy ý kiến đóng góp của người dân, tổ chức được cải thiện, sẽ khai thác được “kho thông tin” từ đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật và các đối tượng có liên quan, đủ để có lựa chọn đúng nhất trong xây dựng pháp luật.

Nhiều tổ chức xã hội nghi ngại quy định "lấy ý kiến là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan từ cấp tỉnh trở lên và là thủ tục bắt buộc trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật khác" theo Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến) vẫn khó thực hiện, vì không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận hay biết về việc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến trên các trang thông tin điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn tiềm ẩn nguy cơ ít nhận được sự đồng thuận của dư luận khi triển khai trên thực tế.

Lý giải vấn đề này, đại biện Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lấy ý kiến trong việc phản hồi đối với các ý kiến góp ý, phản biện và quy định 2 cơ quan đầu mối tổ chức việc lấy ý kiến là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân nói chung) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân), cũng như có trách nhiệm đóng góp ý kiến về các dự án liên quan đến đối tượng thuộc tổ chức của các tổ chức chính trị - xã hội, sẽ là một cơ chế bảo đảm cho tính thực chất của việc lấy ý kiến công chúng vào quá trình xây dựng pháp luật sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm