Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống rất khó khăn”

Thứ năm, 04/07/2019 - 18:32

(Thanh tra)- Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận, việc triển khai đưa Luật Phòng chống tác hại rượu bia vào cuộc sống là rất khó khăn vì quản lý rượu, bia rất khó…

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì và điều hành cuộc họp báo. Ảnh: HG

Ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Theo đó, 7 lệnh từ số 1 đến số 7 được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký công bố 7 luật gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Thi hành án hình sự; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ; Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch sớm đưa Luật Phòng chống tác hại rượu, bia vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận, việc triển khai Luật này là rất khó khăn. 

“Trong quá trình xây dựng luật, có đại diện tổ chức nước ngoài còn nói, rượu, bia được người dân sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, thậm chí khi cúng các cụ, gia đình nào cũng có chén rượu trên bàn thờ thì chẳng lẽ chúng tôi lại đưa tác hại lên bàn thờ?”, ông Cường kể.

Theo Thứ trưởng Cường, luật đã quy định 13 hành vi cấm, trong đó có: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

“Việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia thì triển khai chế tài là rất quan trọng”, ông Cường cho hay và nhấn mạnh để làm được việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan đặc biệt là sự vào cuộc của báo chí.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: HG

Trả lời câu hỏi liên quan tới việc Luật Phòng chống tác hại rượu, bia mở rộng quy định cấm tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm cả xe máy) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì có phải sửa Luật Giao thông đường bộ hay không vì Luật này không quy định đối với xe máy, ông Cường cho hay, tại điều khoản thi hành Luật đã quy định về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để đồng bộ hệ thống pháp luật.

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Tránh lợi dụng luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế

Quy định xử lý nợ đọng thuế cũng là vấn đề được báo chí quan tâm. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, bản thân Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có quy định và đã được sửa đổi 3 lần, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định liên quan đến các điều khoản xử lý nợ đọng thuế.

Có 2 nhóm đối tượng nợ đọng thuế cần xem xét xử lý. Một là, những chủ kinh doanh là cá nhân bị chết, coi là chết, coi là mất tích. Hai là, nhóm các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản cũng có khoản phạt chậm nộp rất lớn. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Ảnh: HG

Thống kê nợ đọng hiện nay cho thấy, có khoảng 50% khoản nợ đọng thuế là khoản tiền phạt chậm nộp. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung về xóa nợ, trong đó có giải pháp khoanh nợ. Khi xác định đối tượng đã bị coi là chết, mất tích, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cũng được xem xét khoanh nợ, không tính thêm tiền chậm nộp nữa, vì bản chất là không thu được.

Với các cơ sở kinh doanh đã được xóa nợ thuế rồi quay trở lại hoạt động, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định truy thu các khoản nợ đọng thuế đã được xóa. 

Ông Hà cho hay, đây là nội dung đã được bàn thảo rất kỹ để phòng ngừa trường hợp lợi dụng pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, có trường hợp tẩu tán tài sản cho người thân nên không còn tài sản tại thời điểm phá sản, dẫn tới được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, sau đó, những trường hợp này tiếp tục đưa tài sản quay lại sản xuất, kinh doanh nên phải quy định như vậy để xử lý.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc chuẩn hoá trình độ giáo viên các cấp học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ dẫn lại Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương. Theo đó, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: HG

Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định lộ trình thực hiện chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Độ, vấn đề này đòi hỏi phải có nhiều thời gian để khảo sát, đánh giá thực tiễn nên luật quy định giao Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi. 

Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi) đều chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020.

H.Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm