Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công

Trần Quý

Thứ sáu, 23/08/2024 - 15:08

(Thanh tra) - Là tiêu đề của Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm nay (23/8) tại Hà Nội.

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" do Tạp chí Pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Ảnh: TQ

Luật Đất đai 2024 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này.

Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.

Diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước.

Nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá…

Một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp Nhà nước và không thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản không đúng quy định tại Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ; bàn giao đất cho pháp nhân mới khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, vi phạm khoản 3 Điều 8 Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg; chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho nhà đầu tư khác đối với các cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý khi chưa được Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 còn nhiều tồn tại, cụ thể: Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch…

Đông đảo các đại biểu đến từ các bộ, ngành tham dự hội thảo. Ảnh: TQ

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, nội hàm về đất công giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 vẫn còn một số điểm vướng mắc cần nhận diện, khắc phục.

Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến tài sản công, song hành với đó còn có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công được định nghĩa bao gồm rất nhiều tài sản, trong đó có đất đai.

Các đơn vị sử dụng đất là tài sản công, gắn với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng tài sản công đó với 2 đạo luật nêu trên. Tuy nhiên, có những điểm bất cập nếu không giải thích cụ thể thì không thực hiện được.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có đến 112 lần dùng đến khái niệm “đất”; trong khi đó Luật Đất đai năm 2024 chỉ có 20 lần đề cập đến “tài sản công”. Như vậy, việc quản lý, tài sản công hàm chứa nhiều khía cạnh liên quan đến đất đai hơn.

Từ những căn cứ trên, GS Hạnh cho rằng cần làm rõ nội hàm đất công, tài sản công. Nội dung này giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 vẫn còn một số điểm vướng mắc cần nhận diện, khắc phục.

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai.

Đáng chú ý, luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Đối với cơ quan, người có thẩm quyền, ngoài nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác... thì đã bổ sung nghiêm cấm đối với các hành vi: Không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; và phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất…

Hội thảo đã nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận, trao đổi của các nhà khoa học pháp lý, đại diện bộ, ngành. Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản pháp luật liên quan về chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước.

Các đề xuất về giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước được nhiều đại biểu nêu ra cơ bản có cở sở tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm