Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chẳng lẽ ai đó tham nhũng tử hình là xong?

Thứ ba, 28/07/2015 - 06:54

(Thanh tra)- Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; giảm hình phạt tử hình… Trao đổi với PV Báo Thanh tra, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, “tham nhũng vài nghìn tỷ, chẳng hạn bồi thường 50%, có thể giảm hình phạt tử hình sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu vẫn cứ tử hình mà không thu được đồng nào”.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: Thảo Nguyên

Đừng hiểu nhầm tính nghiêm minh

+ Dự thảo BLHS có những sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tử hình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã định hướng, tăng cường tính hướng thiện, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hạn chế hình phạt tử hình. Chỉ áp dụng tử hình đối với những người không có khả năng trở thành người tốt. Đó là, quan điểm rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Trên thế giới, cũng đã có 130/190 quốc gia bỏ án tử hình. 60 quốc gia còn lại, có 30 quốc gia quy định án tử hình nhưng không tuyên.

Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy thể hiện pháp luật không nghiêm minh. Tôi nghĩ, tính nghiêm minh đang bị hiểu nhầm! Quy định thật nặng mà xử thật nhẹ hay không áp dụng được pháp luật mới không nghiêm minh, như quy định người tham ô từ 4,5 tỷ đồng trở lên phải tử hình, nhưng những năm qua, chúng ta chỉ thực hiện được vài vụ như vụ Tăng Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh…

+ Chính phủ đề xuất chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân nếu chủ động khắc phục cơ bản hậu quả bằng hình thức nộp tiền, trong đó có tội tham nhũng. Có ý kiến cho rằng, khác nào “mở đường” cho những người “bỏ tiền, mua tính mạng”?

- Tham nhũng vài nghìn tỷ, chẳng hạn bồi thường 50% có thể giảm hình phạt tử hình sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu vẫn cứ tử hình mà không thu được đồng nào. Để không bị hiểu “bỏ tiền mua tính mạng” quan trọng là truyền thông phải hiểu, nắm rõ bản chất vấn đề để tuyên truyền hiệu quả.

Chúng ta cũng đặt giả thiết rằng, tuyên tử hình có chống được tội phạm tham nhũng hay không? Thực tế, tham nhũng, tham ô có quy định tử hình nhưng xử lý được ít. Chống tham nhũng không phải vì không có hình phạt tử hình mà vấn đề  là không phát hiện, không xử lý được tham nhũng. Hiện tại, chúng ta chỉ xử được những vụ tham nhũng vặt vài chục triệu, vài trăm triệu. Nếu quy định mà không thực hiện mới càng làm mất niềm tin của người dân.

Xử hình sự pháp nhân - nhu cầu cấp bách

+ Liên quan đến quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hiện còn có những ý kiến trái chiều. Ông nhận định vấn đề này thế nào?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ xử hình sự đối với pháp nhân. Đây là thực tiễn, là nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay để bảo đảm phòng, chống tội phạm. Vấn đề đặt ra, nếu xử phạt hành chính chỉ giải quyết được góc nhỏ thôi, xử lý hình sự thì góc lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội và người bị hại.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, bằng con đường tố tụng dân sự, người dân không thể tự chứng minh được thiệt hại. Như trong lĩnh vực môi trường, thiệt hại cực lớn, để chứng minh được phải thông qua giám định, chưa kể tiền án phí hàng trăm triệu, người dân lấy đâu ra tiền nên chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả. Còn xử hình sự, cơ quan chức năng có trách nhiệm chứng minh thiệt hại và quyết định việc bồi thường.

Hơn nữa, nếu cá nhân thực hiện mệnh lệnh của tập thể, hội đồng quản trị  mà chỉ xử lý cá nhân là không ổn, nhất là trong trường hợp tổng giám đốc - người điều hành chỉ làm thuê.

+ Nhiều ý kiến lo ngại, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng?

- Xử phạt hành chính cũng có lo ngại chứ không riêng gì hình sự, vì cũng phạt tiền, thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ hoạt động... Quan trọng là biện pháp, khả năng bảo vệ quyền của người dân của tố tụng hình sự hiệu quả hơn thủ tục hành chính vì không loại trừ khả năng doanh nghiệp sợ, đổ lỗi cho cá nhân. Tôi cho rằng, phải đưa hoạt động của doanh nghiệp vào khuôn khổ để phòng ngừa những trường  hợp như Công ty Vedan, Nicotex Thành Thái... làm ô nhiễm môi trường bao nhiêu năm cũng chỉ bị  phạt vài trăm triệu đồng, còn hỗ trợ cho người dân mấy tỷ đồng, mấy trăm triệu đồng thì không ai quyết được, dân chịu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Từ phát hiện có dấu hiệu vi phạm đến khi xác định tài sản tham nhũng là một câu chuyện rất dài vì phải xác định tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, rồi bóc tách tài sản giữa cá nhân và pháp nhân… đến khi có được kết luận thì tài sản đã “biến mất”. Hoạt động của cá nhân chỉ thúc đẩy hoạt động của pháp nhân nên việc xử lý tài sản của cá nhân chưa đủ để khẳng định thu hồi tiếp những gì pháp nhân có được từ tham nhũng. Qui định tránh nhiệm hình sự pháp nhân không chỉ giải quyết triệt để vấn đề mà còn góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông: Duy trì án tử hình với tội tham nhũng là đúng. Nhưng dự thảo cũng quy định nếu khắc phục hậu quả thì giảm án tử hình xuống chung thân, tôi ủng hội vì có cơ hội thu hồi được tài sản tham nhũng. Nếu chỉ bắn chết hay tiêm một liều thuốc độc thì có thu hồi được tài sản tham nhũng? Nhưng khắc phục hậu quả mức độ nào, khắc phục ra sao thì phải định vị rõ nếu không sẽ dẫn đến tùy tiện.

Thảo Nguyên (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm