Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần có chế tài xử lý trường hợp thu thêm tiền của người bệnh

Thứ ba, 10/07/2018 - 06:31

(Thanh tra)- Ngày 15/7 tới, Thông tư 15/2018/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Thông tư sẽ điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), 88 giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã) bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường) bình quân giảm 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%. Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm.

Ngoài ra, Thông tư bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán. Đồng thời, điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, việc triển khai Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Y tế và BHXH hai năm qua nảy sinh một số bất cập trong việc chỉ định các dịch vụ, kê thêm giường bệnh quá định mức, tăng số lượt khám/bàn… Thông tư 37 chỉ đưa ra quy định về giá, mà không có hướng dẫn thanh toán cụ thể, dẫn tới một số vấn đề phát sinh như: Tần suất khám bệnh quy định là 45 lượt/bàn/ngày (8 tiếng làm việc), nhưng thực tế nhu cầu lớn, nếu tính định mức như thế sẽ không bảo đảm. Thời gian qua, phần lớn các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm có sự biến động lớn trong chỉ định dịch vụ, thậm chí, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng không hợp lý, ảnh hưởng đến Quỹ BHYT. “Vì vậy, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, qua 6 tháng đầu năm 2018, các tỉnh đang cân đối chi tiêu quỹ BHYT tốt, dao động 50-52% quỹ. Sau khi triển khai Thông tư 15, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư về giá dịch vụ trên cơ sở hợp nhất các thông tư liên quan phân tuyến kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật, tiến tới chuẩn hóa dịch vụ kỹ thuật, phân hạng kỹ thuật cho phù hợp cùng giá dịch vụ y tế, giảm từ 17.000 dịch vụ xuống khoảng 3.000 dịch vụ.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng khẳng định, Thông tư 15 đang đưa giá dịch vụ y tế về giá trị đích thực. Để thực hiện tốt Thông tư 15, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần phải công khai minh bạch tiền thu giá dịch vụ y tế của bệnh nhân và phải có chế tài xử lý đối với các trường hợp thu thêm của người bệnh những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế.

Theo ông Phúc, thời gian qua, tại khu vực phía Bắc, nhất là tại một số bệnh viện tuyến Trung ương vẫn xảy ra tình trạng thu thêm tiền của người bệnh, kể cả các chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Nguyên nhân chủ yếu là không giải thích rõ và thu thêm những khoản không được thu, trong đó có lấy lý do là tự chủ bệnh viện.

Trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ Khám chữa bệnh BHYT bền vững hơn. Do đó, theo BHXH Việt Nam, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên bởi nếu Quỹ Khám chữa bệnh BHYT không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong nội tại các bệnh viện.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam cùng Bộ Y tế sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra thực hiện. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương cùng với Sở Y tế cũng thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện tại các bệnh viện, đặc biệt là vấn đề chỉ định các dịch vụ cần thiết, việc kê thêm giường, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, khi triển khai Thông tư 15, các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng cần phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, chống nhiễm khuẩn giảm số ngày điều trị nội trú. Thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế.

Các cơ sở y tế quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng số lượng người làm việc; thực hiện chuyển người bệnh sang cơ sở y tế khác, chỉ trong trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép. Cơ sở khám chữa bệnh nào chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngọc Diệp

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

Bảo vệ bí mật công tác của ngành Thanh tra - đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngành

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.

Thái Hải

12:16 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm