Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn bản chậm, thay người là nhanh nhất

Thứ ba, 21/11/2017 - 15:19

(Thanh tra) - “Văn bản chậm chỉ có thay người là nhanh nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin tất cả đều lưu trên hệ thống nên không ông nào giấu được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 21/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng hoan nghênh Bộ đã làm tốt nhiều việc.

Cụ thể, là trong công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước, các sự kiện trọng đại như Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua.

“Công luận cả thế giới biết sự thành công của APEC, điều này có vai trò rất lớn của Bộ TT&TT, trong đó có vai trò lãnh đạo của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cũng được dư luận, cử tri đánh giá cao. Đặc biệt, Bộ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt đưa các hoạt động thông tin, chính sách pháp luật được minh bạch, tạo tác động tích cực tới người dân và doanh nghiệp cả nước.

Bộ cũng có các hoạt động ngăn chặn, xử lý những thông tin sai sự thật, chấn chỉnh các sai phạm của báo chí. Có nhiều giải pháp hiệu quả quản lý về viễn thông, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được hiệu quả…

Bên cạnh những việc làm tốt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT hết sức lưu ý những một số vấn đề.

Đầu tiên vấn đề báo chí và quy hoạch báo chí. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện số lượng các cơ quan báo chí toàn quốc rất đông dẫn đến việc chồng chéo; số lượng đông nhưng chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu, việc báo chí bị thương mại hoá, 1 số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp… những việc này cần được quan tâm hơn.

Bộ TT&TT cũng cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ tình trạng sim rác, sim kích hoạt sẵn. Quan tâm đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc…

Còn quy định kiểm tra chuyên ngành gây khó doanh nghiệp

Riêng về kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập đến một số bất cập trong quy địnhvề hoạt động in. Chẳng hạn Nghị định 60 năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng về in hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo.

“Quy định này có sát thực tế không? Chúng tôi cho là không, gây khó khăn cho sản xuất. Nếu cứ quy định thế thì rất khó cho doanh nghiệp. Đây là tổng hợp của các hiệp hội. Ngay cả các quy định về quản lý thiết bị in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm như in trên vải, gạch, nhựa… cũng bất hợp lý”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.

Hay quy định cấp giấy phép nhập khẩu với thiết bị thu - phát sóng vô tuyến điện. Mặt hàng này vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải có giấy cấp phép nhập khẩu, cần xem xét vì có sự chồng lấn, kéo dài thời gian lưu kho của doanh nghiệp…

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các doanh nghiệp cho rằng, xin giấy phép xuất nhập khẩu các thiết bị an toàn thông tin mạng thì phải có giấy phép kinh doanh là không cần thiết.

“Chúng ta cần công nhận sản phẩm của các nước tiên tiến như G7, như mặt hàng Iphone. Nhiều mặt hàng thử nghiệm chưa có quy chuẩn mà ta vẫn kiểm tra”, Tổ trưởng Tổ công tác nói, cần đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau giữa các nước.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ TT&TT là 528 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 308 nhiệm vụ; 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn; 216 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, sẽ tiếp tục rà soát tất cả các văn bản, thủ tục để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Cũng theo Bộ TT&TT, Bộ đang tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cải cách các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể là kiến nghị Chính phủ không đưa quy định cấp giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời bãi bỏ quy định liên quan trong Nghị định 187 năm 2013.

Bộ cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60 năm 2014 về hoạt động in, bám sát yêu cầu của Chính phủ, như bãi bỏ 9 thủ tục, quy định….

Ứng dụng công nghệ, chậm, tắc, kiểm tra trên hệ thống đều biết

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề đang được Thủ tướng đặc biệt quan tâm đó là xây dựng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, TP thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin... Nhất là, khi ứng dụng công nghệ thông tin, công việc chậm, tắc ở khâu nào, liên quan đến cán bộ nào chỉ cần kiểm tra trên hệ thống là biết hết.

“Văn bản chậm chỉ có thay người là nhanh nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin tất cả đều lưu trên hệ thống nên không ông nào giấu được gì”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng cho rằng, những mặt tích cực của Bộ TT&TT làm sao để tác động đến các bộ ngành, địa phương khác để cùng chuyển động mạnh mẽ.

“Làm sao để các bộ, ngành, địa phương cùng quan tâm đến định hướng cụ thể của Chính phủ như tập trung thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính, kỷ cương công vụ. Đồng thời tạo sự chuyển động mạnh mẽ, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhận trách nhiệm khi có những nhiệm vụ Bộ chưa hoàn thành, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn hứa, sẽ hoàn thành 2 nhiệm vụ trong tháng 11 này, 1 nhiệm vụ trong tháng 12 và hơn 200 nhiệm vụ khác sẽ phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục rà soát tất cả các văn bản, thủ tục để giảm bớt TTHC với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

“Cái tốt ta phải tiếp tục phát huy, cái gì còn chưa tốt thì tiếp tục rà soát để đảm bảo điều kiện tối đa nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng giao”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cam kết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm