Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyệt thực chống tham nhũng

Thứ hai, 03/10/2011 - 10:29

(Thanh tra)- Cuối tháng trước, sau 12 ngày tuyệt thực liên tiếp, ông Anna Hazare đã phần nào đạt được mục đích là thu hút được sự quan tâm của người dân Ấn Độ (thậm chí là ở nhiều nơi trên toàn thế giới) trong cuộc chiến chống tham nhũng (CTN). Đồng thời, buộc Chính phủ Ấn Độ phải có những hành động cần thiết khi đích thân Bộ trưởng Nội vụ hứa đưa những kiến nghị (mang tính yêu sách) của nhà hoạt động này vào dự luật CTN.

Ông Anna Hazare.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, ông Anna Hazare cũng đã tiến hành đợt tuyệt thực đầu tiên trong nỗ lực thu hút sự quan tâm của công chúng tới cuộc chiến CTN.

Cuộc tuyệt thực lần thứ hai của ông Anna Hazare diễn ra vào ngày 16/8. Đây chính là ngày mà Mahatman Gandhi - cha đẻ của nền độc lập Ấn Độ - bắt đầu cuộc tuyệt thực trong tù năm 1933, để phản đối việc chính quyền cấm ông tiến hành chiến dịch đoàn kết với những người thuộc tầng lớp bần cùng và bị khinh bỉ nhất trong xã hội thời đó.

Ngay hôm sau, 17/8/2011, với thái độ bất bình trước nạn tham nhũng đang có dấu hiệu tràn lan, hàng chục nghìn người dân Ấn Độ đã xuống đường tại New Delhi. Hầu hết trong số họ đều hô vang các khẩu hiệu CTN và kêu gọi Thủ tướng Manmohan Singh phải quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến này.
 
Trao đổi với một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhiều người tham gia cuộc biểu tình ở New Delhi thẳng thắn nhấn mạnh là họ cảm thấy vừa xấu hổ, vừa tức giận vì bị buộc phải “hợp tác” với những đối tượng mà “không thể không tiếp xúc”. Một phụ nữ nói với Hãng thông tấn AFP: “Chúng tôi không hề sợ đưa hối lộ. Người được đề nghị cũng không ngần ngại khi nhận của đút lót. Chúng tôi có lẽ nên xấu hổ về bản thân mình”. Người khác thì cho biết từng phải đưa tiền cho một công chức để được cấp giấy khai tử cho mẹ mình. Hoặc một nữ sinh bức xúc vì buộc phải hối lộ để có được bằng lái xe.

“Chúng tôi không thể lặng thinh được nữa”. Đó là tâm trạng chung của những người tham gia biểu tình.

Ngoài New Delhi, nhiều cuộc xuống đường khác cũng diễn ra tại một số thành phố như: Mumbai, thủ phủ kinh tế, hay Chennai, thành phố lớn ở phía Nam.

Những người biểu tình ủng hộ ông Anna Hazar.


Từ New Delhi, thông tin viên Pierre Prakash của Đài Quốc tế Pháp cho biết: Sau những thất bại của các cuộc thương thảo giữa đại diện Chính phủ và ông Anna Hazare trong mấy ngày qua, tối thứ bảy 27/8/2011, Quốc hội cuối cùng đã giải tỏa được tình hình bằng việc chấp nhận đưa nhiều yêu sách của người biểu tình vào dự luật CTN. “Lúc đầu, ông Hazare yêu cầu thay thế dự luật theo bản soạn thảo của ông. Tuy nhiên, sau đó ông chỉ yêu cầu Quốc hội thông qua nghị quyết chấp nhận thêm vào bộ luật mới 3 điều khoản: Thành lập chức danh thanh tra Nhà nước về tham nhũng và quan liêu ở cả 29 bang; soạn thảo hiến chương về quyền công dân; mở rộng quyền của thanh tra Nhà nước đến tất cả các cấp hành chính chứ không chỉ đối với cán bộ cấp cao. Đó là tất cả những nhượng bộ mà các nghị sỹ đạt được sau 9 giờ thảo luận có khi rất gay gắt”.

Le Figaro trích lời nhận định của một sinh viên đăng trên Nhật báo The Times of India: “Nhờ có Anna Hazare mà cả đất nước đã thức tỉnh. Chúng ta đã thực hiện một hành động mà sự kiên nhẫn đang được đáp trả nếu như các động lực của nó là vì quyền lợi của người dân. Hành động của ông là một cuộc “cách mạng”. Và, kể từ bây giờ, không gì có thể cản bước ông được nữa”.

Một giáo sư về chính trị tại Trường Đại học Bombay được truyền thông dẫn lời: Khác với các phong trào đấu tranh xã hội vào những năm 1980 và 1990, lần này có một điểm mới, đó là “được chứng kiến thấy giai cấp trung lưu Ấn Độ, thành quả của chương trình cải cách những năm 1990, biểu tình theo cách ấy. Ngoài việc ủng hộ những đòi hỏi của Anna Hazare, tầng lớp trung lưu này bày tỏ sự phẫn nộ vì đã không được hưởng hoàn toàn những cơ hội mới mà ngày nay đất nước đang có”.

Phát biểu trước những người ủng hộ, đặc biệt là giới truyền thông, cùng với việc tuyên bố chính thức ngưng tuyệt thực, ông Anna Hazare nhấn mạnh sẽ tiếp tục đấu tranh CTN trong khuôn khổ của Hiến pháp.

Theo AFP, những người biểu tình rất vui vì diễn biến này và xem đây là một “chiến thắng lịch sử” của người dân Ấn Độ trước nhà cầm quyền. Đặc biệt, “họ tự hào là đã giành được thắng lợi bằng biện pháp ôn hòa” - Đài Quốc tế Pháp nêu rõ.

Ông Manmohan Singh được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Ấn Độ năm 2004 với danh xưng “ông trong sạch”. Tuy nhiên, gần đây hình ảnh Thủ tướng Manmohan Singh và Chính phủ của ông ít nhiều đã bị hoen ố bởi sự liên quan đến bê bối tham nhũng, nhận hối lộ của một số nhân vật trong Chính phủ, bao gồm cả việc bắt giữ Bộ trưởng Viễn thông Andimuthu Raja vì bán giấy phép kinh doanh điện thoại di động thế hệ thứ hai với mức giá rẻ đến khó tin. Chưa kể, quá trình đấu thầu đã diễn ra một cách “thiếu minh bạch và được thực hiện qua một đường lối phi lý, thiếu công bằng và không công minh”. (Theo ước tính, vụ mua bán đã gây thiệt hại cho ngân sách Ấn Độ tới trên dưới 40 tỷ USD). Hay như những sai phạm liên quan đến cuộc tranh tài thể thao tại Thế vận hội của Khối Thịnh vượng chung Commonwealth diễn ra ở New Delhi hồi năm ngoái. (Số liệu của Cơ quan Điều tra Trung ương Ấn Độ được The Hindustan Times dẫn lại cho biết, chi phí cho Thế vận hội khoảng 6 tỷ USD thì đã có tới 1,8 tỷ USD bị sử dụng sai). Hoặc như việc Tòa án Tối cao Ấn Độ đã từ chối bổ nhiệm ông P.J. Thomas vào chức Tổng Thanh tra theo chỉ định của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vì cho rằng ông này không trong sạch…

Duy Tùng (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm