Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ bê bối đến bê bối

Thứ hai, 19/12/2011 - 15:38

(Thanh tra) - Hàng loạt bê bối liên quan đến nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia Pháp đã và đang được phanh phui trước thềm các cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống đầy uy lực. Thanh tra Cuối tháng xin điểm lại một số sự kiện tâm điểm được truyền thông phương Tây công bố thời gian gần đây.

Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke. Ảnh: AFP

Vấn đề của cựu Thủ tướng Edouard Balladur

Ngày 21/9/2011, ông Thierry Gaubert và ông Nicolas Bazire đã bị cơ quan tư pháp Pháp câu lưu vì bị tình nghi là những nhân vật chính trong đường dây hối lộ liên quan đến hợp đồng mua bán tàu ngầm bí mật giữa Pháp và Pakistan trong những năm 90 của thế kỷ XX.

Ông Thierry Gaubert bị tạm giam trong 2 ngày, từ ngày 19 - 21/9 còn ông Nicolas Bazire bị câu lưu hôm 21/9, đã tạm thời được trả tự do. Cả 2 ông sẽ phải đối diện với cơ quan điều tra vì bị cáo buộc về tội “lạm dụng tài sản công”.

Như vậy, sau khi doanh nhân Pháp gốc Liban Ziad Takieddine bị câu lưu vào hồi trung tuần tháng 9 vì bị tình nghi là nhân vật chủ chốt trong đường dây chuyển 33 triệu euro tiền hoa hồng trong hợp đồng mua bán tàu ngầm bí mật giữa Pháp và Pakistan trong những năm 90 của thế kỷ XX, nay đến lượt 2 cộng sự của đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trở thành đối tượng thẩm tra của ngành Tư pháp Pháp trong vụ án dùng tiền hoa hồng để trang trải cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của cựu Thủ tướng Edouard Balladur vào năm 1995.

Trước đó, theo RFI, ngày 24/11/2010, tại văn phòng của Renaud Van Ruymbeke - thẩm phán điều tra vụ bê bối liên quan đến tiền hoa hồng bán vũ khí cho Pakistan, cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin khẳng định là ông “tin chắc” một phần tiền hoa hồng khấu trừ đã được sử dụng vào chương trình tranh cử Tổng thống của cựu Thủ tướng Edouard Balladur. (Vào thời điểm Tổng thống Jacques Chirac phát hiện bê bối trong hợp đồng vũ khí của Chính phủ trước ký với Pakistan thì ông de Villepin là Tổng Thư ký Phủ Tổng thống).


Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Dominique de Villepin đã dựa vào một số báo cáo của Cơ quan Phản gián DGSE dường như đã nhận dạng được các nguồn tài chính có thể xuất phát từ tiền khấu trừ hoa hồng.

Thông tin quan trọng thứ hai, theo nhận định của cựu Thủ tướng, không có “quan hệ nhân quả” giữa quyết định của Tổng thống Chirac, năm 1995, khi vừa đắc cử, ngưng trả tiền hoa hồng cho Pakistan và vụ khủng bố Karachi 7 năm sau đó.

Ông Edouard Balladur

Chưa hết, báo chí Pháp còn tiết lộ, cơ quan tư pháp hiện có các tài liệu chứng tỏ việc bán tàu chiến cho Ả Rập Xê Út năm 1994 có liên quan đến việc tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Edouard Balladur.

Được biết, cuối năm 1994, Chính phủ của Thủ tướng Edouard Balladur đã ký hợp đồng Sawari II, trị giá lên đến 3 tỉ euro, bán 3 tàu chiến cho Ả Rập Xê Út.

Theo thông tin của Đài Phát thanh France Info, thẩm phán Renaud Van Ruymbeke phát hiện rằng, Bộ Quốc phòng Pháp đã yêu cầu Ả Rập Xê Út nhất thiết phải ứng trước 10 triệu franc trước ngày 31/5/1995, tức chỉ vài tuần trước khi diễn ra vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống.

Trên thực tế, việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày 26/4/1995. Cùng ngày, một số tiền mặt tương đương đã được nhập vào tài khoản dùng cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Balladur tại Ngân hàng Crédit du Nord. Trong khi đó, cho đến nay, cựu Thủ tướng Balladur vẫn khẳng định số tiền trên có được do bán áo thun, móc khóa và các mặt hàng linh tinh khác cho những người ủng hộ ông trong các cuộc mít tinh.

Dĩ nhiên, RFI cho rằng, cách giải thích này không mấy thuyết phục. Vì thế, thẩm phán Renaud Van Ruymbeke đang tiếp tục điều tra xem có việc chi tiền hoa hồng bất hợp pháp trong hồ sơ này hay không. Xin nói thêm, theo Reuters, điều tra của cơ quan tư pháp và của một ủy ban thuộc Quốc hội Pháp cho thấy, hoa hồng môi giới trong vụ bán các tàu chiến cho Ả Rập Xê Út lên đến 200 triệu euro.

Chuyện của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy

Trở lại trường hợp của ông Thierry Gaubert và ông Nicolas Bazire, theo nhận định của Báo Le Monde, cuộc điều tra khía cạnh tài chính của vụ án đang nhích lại gần ông Nicolas Sarkozy một cách nguy hiểm.

Luật sư của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố Karachi cho rằng, những diễn biến mới trong vụ án cho thấy, có phần trách nhiệm của đương kim Tổng thống Pháp. Vào thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ XX, ông Nicolas Sarkozy vừa là Bộ trưởng Ngân sách, do vậy có vai trò trung tâm trong việc ký kết các hợp đồng bán tàu ngầm, vừa là người phát ngôn cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Edouard Balladur. Vị luật sư này nhấn mạnh: “Nếu ông Nicolas Sarkozy hiện nay không phải là Tổng thống, sẽ được các thẩm phán gọi đến chất vấn bởi vì các hướng điều tra đều dẫn đến trách nhiệm của ông”.

Không để bị chỉ trích, ngay lập tức Phủ Tổng thống Pháp ra thông cáo khẳng định ông Sarkzyo không dính dáng gì tới vấn đề tài chính trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Balladur.

Ông Nicolas Sarkozy

Trích dẫn thông cáo, Báo Le Figaro cho biết, ông Sarkozy “chưa bao giờ chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử năm 1995” cũng như “không hề có bất cứ trách nhiệm nào trong lĩnh vực tài chính của chiến dịch tranh cử”. Thậm chí, “tên của Tổng thống Pháp (Sarkozy) không hề xuất hiện trong bất kỳ vấn đề nào của hồ sơ này” và “không một nhân chứng nào nêu tên Tổng thống Pháp”…

Vẫn theo Le Figaro, phe đa số cầm quyền tố cáo đây là “âm mưu chống lại Tổng thống Pháp”. Axel Poniatowski, thành viên đảng cầm quyền Liên minh Vì Phong trào Nhân dân (UMP) nói: “Câu chuyện này kéo dài từ 16 năm qua và khi chỉ còn 6 tháng nữa thì có bầu cử Tổng thống, những người thân cận của ông Nicolas Sarkozy lại bị điều tra. Tôi rất nghi ngờ”.

Sau khi nhắc lại những hoạt động của ông Nicolas Bazire và ông Thierry Gaubert trong việc gặp những người môi giới, chuẩn bị và dàn xếp việc ký kết các hợp đồng, Báo Libération xoáy vào một câu trong bản thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp viết “tên của Tổng thống Pháp (Sarkozy) không hề xuất hiện trong bất kỳ vấn đề nào của hồ sơ này”. Theo tờ báo, với tư cách Tổng thống, dường như ông Sarkozy đã được tiếp cận với hồ sơ điều tra, nhưng đọc quá vội. Bởi vì, tên của ông Sarkozy xuất hiện nhiều lần. Vào thời điểm giữa những năm 1990, việc trả tiền hoa hồng trong các thương vụ, đặc biệt là trong các hợp đồng mua bán vũ khí là hợp pháp và thậm chí còn được tính trừ thuế sau khi có sự chấp thuận của Bộ Kinh tế, Tài chính. Như vậy, trên cương vị Bộ trưởng Ngân sách, ông Sarkozy đã biết và chấp thuận những khoản chi hoa hồng.

Báo Liberation cũng dẫn lại báo cáo điều tra của Cục Đóng tàu biển cho biết, ông Sarkozy còn đồng ý với việc lập một công ty offshore, nơi có ưu đãi về thuế, được đăng ký với quốc tịch Luxembourg, có tên là Heine, nhằm thu thập và phân bổ các nguồn tài chính mờ ám.

Nào đã hết, một báo cáo điều tra của cảnh sát còn nhấn mạnh: Công ty Heine được thành lập năm 1994 “với sự chấp thuận của Bộ trưởng Nicolas Sarkozy và của ông Nicolas Bazire - Chánh Văn phòng ông Balladur”.

Bê bối của cựu Tổng thống Jacques Chirac

Hồi tháng 9/2011, báo chí nước ngoài cho biết, cựu Tổng thống Jacques Chirac sẽ phải hầu tòa vì cáo buộc gây quỹ trái phép trong thời gian là Thị trưởng Paris. Nếu điều này xảy ra, ông Jacques Chirac sẽ trở thành cựu lãnh đạo đầu tiên của nước Pháp phải đối mặt với cáo buộc hình sự kể từ chiến tranh thế giới 2.

Tuy nhiên, đang có những nghi ngờ về việc phiên tòa có diễn ra theo kế hoạch hay không sau khi báo cáo sức khỏe cho biết, ông Chirac, 78 tuổi, đang mắc chứng suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, cựu Tổng thống Pháp, vốn phủ nhận cáo buộc, đã yêu cầu Tòa án Paris cho phép luật sư của ông đại diện trước tòa.
 

Ông Jacques Chirac. Ảnh: Reuters

Theo phóng viên BBC tại Paris, ông Chirac là Thị trưởng Paris từ năm 1977 - 1995, phải đối diện với 2 cáo buộc:

Cáo buộc đầu tiên là ông đã biển thủ và làm mất lòng tin trong vụ việc được gọi là 21 “công việc ma”. Cụ thể, ông Chirac bị buộc tội trả tiền cho các thành viên thuộc Đảng Tập hợp Vì nền Cộng hòa (RPR) để nắm giữ các vị trí quản lý thành phố mà vốn không hề tồn tại. Nếu bị kết án, ông Chirac có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam và phải nộp khoản tiền phạt là 150.000 euro. (Cũng có thông tin cho rằng, về mặt lý thuyết là vậy, còn trên thực tế, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, ngay cả khi bị kết tội, cựu Tổng thống cũng ít có khả năng bị tù giam).

Cáo buộc thứ hai phát xuất từ một cuộc điều tra riêng rẽ khác ở ngoại ô Paris- Nanterre, về xung đột lợi ích bất hợp pháp liên quan đến 7 “công việc ma”.

Mặc dù đã có nhiều tin đồn dai dẳng về những việc làm sai trái này, tuy nhiên ông Chirac vẫn được miễn truy tố khi đương nhiệm chức Tổng thống trong giai đoạn từ năm 1995 - 2007.

Sau nhiều năm tranh cãi pháp lý, ông Chirac và 9 bị cáo khác đều đã ra tòa vào tháng 3/2011. Nhưng, vào ngày thứ hai của phiên tòa, một luật sư đại diện cho cựu Chánh Văn phòng Thị trưởng (thời ông Chirac), Remy Chardon, đã phản bác việc cả 2 cáo buộc bị xâu chuỗi với nhau. Vị luật sư này lập luận rằng, quy định về việc miễn tố đã hết hiệu lực trong trường hợp thứ nhất. Sau đó, Tòa Phúc thẩm Tối cao Pháp đã phán quyết rằng, phản bác Hiến pháp là không có hiệu lực.

Và, như trên đã đề cập, bạn bè của cựu Tổng thống Chirac nói rằng, trong những tháng gần đây, ông đang bị mắc chứng suy giảm trí nhớ. Họ nói, đầu óc của cựu Tổng thống bị lẩn thẩn mặc dù ông không nhận ra điều này.

Một báo cáo sức khỏe, được soạn thảo theo yêu cầu của gia đình ông Chirac, cũng đã được gửi đến cho thẩm phán, giải thích về tình trạng của cựu Tổng thống và đưa ra lý do ông không thể có mặt tại tòa án vì ông sẽ khó có khả năng trả lời các câu hỏi về quá khứ một cách đáng tin cậy.

Xin nói thêm, nguyên đơn chính trong vụ án là thành phố Paris đã rút đơn kiện từ năm 2010 sau khi đạt được thỏa thuận trị giá 3 triệu USD với cựu Tổng thống và đảng cầm quyền UMP. Ngay bản thân công tố viên tham gia cuộc điều tra ban đầu cũng tin rằng, không có đủ bằng chứng để kết tội. Nhưng, do 2 tổ chức phi chính phủ tiếp tục theo đuổi vụ này, vì vậy mới có phiên xử.

“Cuộc chiến” giữa cựu Thủ tướng Villepin và đương kim Tổng thống Sarkozy

Liên quan đến cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin và đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, ngày 14/9/2011, Tòa Thượng thẩm Paris đã tha bổng cựu Thủ tướng Dominique de Villepin trong vụ án Clearstream mà ông bị truy tố với tội danh “đồng lõa vu khống” dù Viện Công tố đề nghị mức án 15 tháng tù treo.

Ra khỏi phòng xử án, ông Dominique de Villepin tuyên bố: “Tôi muốn hoan nghênh tính độc lập của nền tư pháp của chúng ta vì đã cưỡng lại được những sức ép chính trị”. Xin nói thêm, không ít lần ông de Villepin tố cáo Phủ Tổng thống Pháp hiện nay gây sức ép trong vụ án này.
 

Ông Villepin (phải) và ông Sarkozy ganh đua để lên thay ông Chirac hồi năm 2007. Ảnh: AP

Clearstream là một vụ án lớn gây rúng động chính trường Pháp trong thời gian dài. Khởi phát từ đầu năm 2005, vụ việc liên quan đến danh sách giả mạo các khách hàng của Ngân hàng Clearstream tại Luxembourg gửi đến ngành Tư pháp Pháp nhằm quy kết một số chính khách tên tuổi, trong đó có ông Nicolas Sarkozy (thời điểm này đang là Bộ trưởng Nội vụ), sở hữu tài khoản bất minh ở nước ngoài và nhận hối lộ trong các thương vụ buôn bán vũ khí quốc tế. Danh sách này được cho là nằm trong âm mưu triệt hạ uy tín của ông Nicolas Sarkozy trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007.

Tổng thống Pháp Sarkozy đã kiện lên tòa sơ thẩm nhưng ở phiên phúc thẩm ông đã rút khỏi quá trình tố tụng.

Tại phiên sơ thẩm, luật sư của Tổng thống Sarkozy khẳng định: Ông de Villepin là người chủ mưu vụ Clearstream. Viện Công tố Paris thì cáo buộc ông tòng phạm; đề nghị mức án 18 tháng tù treo và 45 nghìn euro tiền phạt. Tuy nhiên, trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1/2010, Tòa án Paris đã tuyên bố tha bổng cho cựu Thủ tướng Pháp.

Trước đó, ông Dominique de Villepin từng bị cáo buộc đã không ngăn ngừa cuộc điều tra đối với ông Sarkozy cho dù biết rõ những lời cáo buộc đối thủ mình (trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống tại cuộc bầu cử năm 2007) là không đúng sự thực.

Về phần mình, cựu Thủ tướng Dominique de Villepin khẳng định chưa hề ra lệnh điều tra bất cứ nhân vật chính trị nào cả và cũng không hề có một thủ đoạn chính trị nào trong quá khứ. BBC cho biết, tại cuộc điều tra, ông de Villepin thừa nhận có biết danh sách các khách hàng của Ngân hàng Clearstream, nhưng tòa án không thấy có bằng chứng nào cho thấy ông biết được tài liệu này là giả mạo.

Một số bị cáo khác trong vụ án đã bị kết một số tội danh. Tuy nhiên, thẩm phán xử vụ này nói không có bằng chứng gì cho thấy ông de Villepin đã hành động sai trái. Vì thế, cựu Thủ tướng được minh oan trong cả 4 tội là: Đồng lõa với vu khống, dùng đồ giả mạo, mua bán của cải bị đánh cắp và vi phạm lòng tin.

“Sau rất nhiều năm phải chịu đựng, sự vô tội của tôi nay đã được công nhận. Hình ảnh chính trị mà người ta tạo ra đã gây tổn thương tới tôi và những cam kết mà tôi theo đuổi trong hơn 30 năm qua”, ông de Villepin nói với báo chí ngoài phòng xét xử sau khi bản án được tuyên. Trong khi đó, BBC đánh giá: “Việc ông de Villepin được minh oan là một đòn giáng cho Tổng thống Sarkozy - người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 55”. Ông Sarkozy từng hứa là sẽ “treo lên móc xích đồ tể” những người bôi bẩn tên tuổi của mình.

Không đồng tình với kết luận của tòa, Viện Công tố kháng án và đề nghị lại mức án 15 tháng tù treo. Kết quả, một lần nữa ông Dominique de Villepin được tòa xử vô tội vào ngày 14/9/2011.

Riêng 2 nhân vật chủ chốt của vụ án đều bị kết án tù giam. Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Hàng không châu Âu EADS Jean Louis Gergorin, được coi là chủ mưu, bị kết án 15 tháng tù giam. Nhân vật thứ hai là kỹ sư tin học Imad Lahoud, người bị coi là trực tiếp làm danh sách giả mạo bị kết án 18 tháng tù giam.

“Nỗi niềm” chung của ông Chirac và ông Villepin

Nào đã hết, hồi trung tuần tháng 9/2011, cựu Tổng thống Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin đã bị một luật sư tố cáo nhận 20 triệu USD từ các nhà lãnh đạo châu Phi, một phần để tài trợ cho vận động bầu cử.

Luật sư Robert Bourgi cho biết, chính ông đã tham gia vụ trao cho ông Chirac những vali chứa đầy tiền. Ngoài ra, “không có bằng chứng, không có dấu vết” của các khoản thanh toán bí mật.

Trả lời phỏng vấn Báo Journal de Dimanche ngày 11/9/2011, ông Bourgi thừa nhận rằng, có tham gia trong vụ đưa vài vali cho ông Chirac khi còn là Thị trưởng Paris trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX. Ông Bourgi khẳng định, những vali này luôn có ít nhất 5 triệu franc (1 triệu USD) và nhiều khi tới 15 triệu USD.

Ông Chirac (phải) và ông de Villepin bị cáo buộc nhận 20 triệu USD từ các nhà lãnh đạo châu Phi. Ảnh: AFP


Cũng theo ông Bourgi, các khoản tiền từ các nhà lãnh đạo của vài nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi sau đó tiếp tục được chuyển cho ông Chirac và de Villepin trong 10 năm sau đó.

Phát biểu trên Đài Europe 1, ông Bourgi ước tính số tiền lên tới 20 triệu USD và nói về động cơ khiến ông hành động là vì một “nước Pháp trong sạch”. Ông nói: “Tôi hành động với tư cách cá nhân. Không ai bảo tôi phải thực hiện cuộc phỏng vấn này”.

Trong lời đáp trả, 2 nhà cựu lãnh đạo hứa sẽ kiện ông Bourgi. Đồng thời bác bỏ cáo buộc này. “Họ đang cố gắng để ngăn tôi ứng cử (Tổng thống). Họ đã “chọc gậy, bánh xe” nhiều năm rồi nhưng tôi rất vững vàng”, ông de Villepin nói với truyền hình Pháp.

 
“Vụ án Karachi”

Tháng 9/1994, Pháp ký hợp đồng bán 3 tàu ngầm cho Pakistan, trị giá 825 triệu euro. Trong đó, có 83 triệu euro là tiền hoa hồng.

Tháng 9/1995, theo Báo Liberation, Tổng thống Jacques Chirac ra lệnh ngừng trả tiền hoa hồng cho môi giới.

Ngày 8/5/2002, một vụ khủng bố đã xảy ra ở thành phố Karachi của Pakistan làm 14 người thiệt mạng, trong đó có 11 nhân viên người Pháp thuộc Cục Đóng tàu biển.

Tháng 9/2002, báo cáo kết quả điều tra của Cục Đóng tàu biển cho biết, vụ khủng bố Karachi dường như liên quan đến việc phía Pháp ngừng trả tiền hoa hồng cho các môi giới. Đáng nói hơn, một phần tiền hoa hồng trước đây đã được bí mật chuyển lại cho phía Pháp và được chi cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Balladur năm 1995. Và, đây cũng chính là lý do vì sao báo giới Pháp gọi là “vụ án Karachi”.
 

Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm